Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Quốc Tịch

Quốc tịch Việt Nam đối với người gốc Việt Nam

Câu hỏi

Tôi là người Việt Nam vượt biên năm 1978 và hiện có quốc tịch Mỹ đang có công ty tại Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay có giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt Nam do cơ quan chức năng Hà Nội cấp, xin hỏi tôi có thể xin lại quốc tịch Việt Nam được không và phải đến cơ quan nào để thực hiện? Tôi có được cấp hộ chiếu và chứng minh nhân dân hay không?

Câu trả lời

Theo quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, có 02 loại xác nhận là xác nhận có quốc tịch Việt Nam và xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Sở Tư pháp cấp. Trong đó, xác nhận có quốc tịch Việt Nam được cấp trong trường hợp có đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn có quốc tịch Việt Nam; xác nhận là người gốc Việt Nam được cấp trong trường hợp có đủ cơ sở để khẳng định người đứng đơn là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch đó được xác định theo huyết thống.

Theo như bạn trình bày, bạn được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận nguồn gốc Việt Nam, ở đây có thể hiểu là một trong hai loại xác nhận như đã nêu.

1) Nếu xác nhận đó là xác nhận có quốc tịch Việt Nam, bạn phải làm thủ tục đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 20, 21 Luật Cư trú năm 2006 và Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/5/2009 hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam. Hồ sơ đề nghị về Việt Nam thường trú (quy định tại điểm A mục II), trong đó có Xác nhận có quốc tịch Việt Nam, được làm thành 02 bộ nộp cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bạn đề nghị được về thường trú. Sau khi đã làm thủ tục đăng ký thường trú (nhập khẩu), bạn sẽ được cấp Giấy chứng minh nhân dân và Hộ chiếu Việt Nam theo quy định.

2) Nếu xác nhận đó là xác nhận là người gốc Việt Nam, trước hết bạn phải làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19, 20 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Bạn làm 03 bộ hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp cho Sở Tư pháp thành phố Hà Nội (nơi bạn đang cư trú). Sau khi làm xong thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định, bạn sẽ làm thủ tục đăng ký thường trú để được cấp Giấy chứng minh nhân dân và Hộ chiếu Việt Nam như đã nêu tại mục 1 nói trên. Cần lưu ý khi xin nhập quốc tịch Việt Nam bạn phải thôi quốc tịch Hoa Kỳ nếu không thuộc trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch hiện có. Bạn nên đến Sở Tư pháp Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam.

 

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA Hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam

Luật 81/2006/QH11 Cư trú

Thông tư liên tịch 05/2009/TTLT-BCA-BNG Hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam

Luật 24/2008/QH12 Quốc tịch Việt Nam

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý - Vụ Hành chính tư pháp