Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú trong thời kỳ hôn nhân
Câu hỏi
Tôi có một đứa cháu gái đã lấy chồng nhưng sau đó hai vợ chồng cháu ly thân. Trong thời gian ly thân, chồng cháu đã lấy vợ khác; còn cháu tôi đã quan hệ với một ai đó và có con. Khi đi đăng ký khai sinh cho con của cháu thì cán bộ tư pháp của phường yêu cầu phải có cả tên của người chồng (vì hai đứa chưa ly hôn tại tòa án), nhưng cháu tôi không đồng ý vì chồng cũ không phải là cha của đứa bé. Do vậy, việc khai sinh của cháu không thực hiện được. Cháu nhỏ hiện đã lớn chuẩn bị đi học rồi mà không có Giấy đăng ký khai sinh thì không thể cho cháu đi học được. Vậy trong trường hợp nay đề nghị tư vấn cho tôi làm thế nào có thể làm giấy khai sinh cho cháu bé được?
Câu trả lời
Trường hợp mà bạn nêu, bạn có thể thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn cho cháu bé theo quy định tại Điều 43, Điều 44 và Điều 45 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình, chứng thực), cụ thể như sau:
1. Thẩm quyền đăng ký khai sinh quá hạn
Về thẩm quyền đăng ký khai sinh, Điều 44 Nghị định số 58 quy định như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.
Trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú...”.
2. Thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 58, việc đăng ký khai sinh quá hạn được thực hiện như sau:
- Người đi đăng ký khai sinh quá hạn phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 (nếu là khai sinh) của Nghị định số 158, bao gồm: (1) Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực; (2) Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).
- Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy khai sinh. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 05 ngày.
- Khi đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.
Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 06/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật