Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hôn Nhân Gia Đình

Quyền đối với tài sản riêng vợ chồng

Câu hỏi

Bố mẹ chồng tôi muốn tặng tài sản đất đai của ông bà sang riêng cho chồng tôi với điều kiện sau khi hoàn tất thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật cho chồng tôi thì chồng tôi không được chuyển nhượng, cho, bán, tặng cho bất kỳ ai; nếu chồng tôi chết mà chúng tôi vẫn chưa có con cái thì quyền thừa kế tài sản chuyển qua cho con cháu trong dòng họ ông bà. Vậy xin hỏi: khi hoàn thành thủ tục sang tên cho chồng tôi thì tôi có quyền liên quan đến tài sản này không?

Câu trả lời

Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”. Theo đó, nếu bố mẹ chồng bạn tặng cho tài sản là quyền sử dụng đất cho riêng chồng bạn thì đó là tài sản riêng của chồng bạn.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng được quy định tại Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình như sau:

- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Theo quy định nêu trên, quyền sử dụng đất là tài sản riêng của chồng bạn thì chồng bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng đó, bạn không có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến tài sản.

Lưu ý: Đặt giả thiết, chồng bạn chết trước bạn thì quyền của bạn liên quan đến tài sản riêng của chồng bạn được xác định như sau:

* Trường hợp chồng bạn không để lại di chúc định đoạt tài sản đó: Di sản là quyền sử dụng đất do chồng bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật cho người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Theo quy định trên, bạn là một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn nên khi chồng mất, bạn được quyền hưởng di sản do chồng để lại.

* Trường hợp chồng bạn để lại di chúc.

Nếu trong di chúc, chồng bạn chỉ định cho bạn được hưởng di sản thì bạn có quyền được hưởng di sản theo di chúc. Nếu trong di chúc, chồng bạn không chỉ định cho bạn được hưởng di sản thì bạn vẫn có quyền được hưởng một phần di sản với tư cách là  người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (Ðiều 669 Bộ luật dân sự):

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: CTV3