Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hôn Nhân Gia Đình

Giả mạo chữ ký và tranh chấp tài sản sau ly hôn

Câu hỏi

Tôi kết hôn 2008. Năm 2010 cha mẹ tôi cho tôi một số tiền để tôi mua đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên tôi. Chồng tôi thường xuyên say rượu, đánh tôi và còn lấy cắp sổ đỏ của cha mẹ tôi đem giả chữ ký thế chấp vay tiền ngân hàng (chồng tôi là cán bộ tín dụng ngân hàng). Tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi muốn tranh chấp tài sản. Hành vi giả mạo chữ kí của chồng tôi để vay tiền có vi phạm pháp luật không? Tôi muốn kiện chồng tôi thì phải gửi đến cơ quan nào? Khi ly hôn, tôi có phải chia tài sản (quyền sử dụng đất nêu trên) cho chồng tôi không?

Câu trả lời

Thứ nhất, về hành vi giả mạo chữ ký thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng:

Hành vi giả mạo chữ ký của người khác là trái pháp luật và tùy vào hậu quả có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, hành vi giả mạo chữ ký của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, đối với một người có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích trục lợi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009.

Căn cứ các quy định trên, cha, mẹ của chị có quyền khởi kiện ra Tòa án đề nghị tòa tuyên hợp đồng thế chấp nêu trên vô hiệu theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Cụ thể: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó".

Ngoài ra, ngân hàng có thể khởi kiện chồng chị về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 (hành vi của chồng chị đã thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi chiếm đoạt tài sản, và chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối).

Thứ hai, khi ly hôn có phải chia tài sản không?

Theo chị trình bày thì mảnh đất được mua từ số tiền cha mẹ chị cho chị và quyền sử dụng đất hiện đang đứng tên chị. Tuy nhiên, tài sản này lại được hình hành trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, chị cần phải chứng minh tài sản trên được tặng cho riêng thông qua hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản trên là tài sản riêng của chị thì tài sản đó được coi là tài sản chung và được chia theo thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Trả lời bởi: vietduc