Đặc xá và chế độ thăm gặp thân nhân của phạm nhân
Câu hỏi
Tôi có người bạn hiện đang bị giam tại Chí Hòa. Bạn tôi bị bắt ngày 19/06/2011 vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bị phạt tù 2 năm ở quận 3, 3 năm rưỡi ở quận 1). Hiện nay bạn tôi đang chờ chuyển đi trại cải tạo. Tôi có 1 số vấn đề mong được giải đáp:
1. Nếu bạn tôi nộp tiền bồi thường, án phí đầy đử, cải tạo tốt thì 2/9/2013 bạn tôi có cơ hội được xét đặc xá không.
2. Người yêu bạn tôi có được vào thăm hay không?
Câu trả lời
1. Quy định về đặc xá
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 76/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá thì:
“1. Nhân dịp sự kiện trọng đại về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước; ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; xét thấy cần thiết, Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định về đặc xá.
2. Khi Chủ tịch nước có yêu cầu về đặc xá hoặc đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá và Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá.
3. Tờ trình của Chính phủ phải nêu rõ sự cần thiết của việc đặc xá, dự kiến thời điểm đặc xá, đối tượng được đề nghị đặc xá, điều kiện của người được đề nghị đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá; thành phần Hội đồng Tư vấn đặc xá; tổ chức thực hiện đặc xá và những nội dung khác liên quan đến hoạt động đặc xá.”
Điều kiện của người được đề nghị đặc xá theo Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước:
“1. Căn cứ vào Điều 10, Điều 11 của Luật Đặc xá và Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Chính phủ hướng dẫn cụ thể điều kiện của người được đề nghị đặc xá.
2. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam được coi là đã lập công lớn, là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá được hiểu nhu sau:
a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù: là người đang chấp hành hình phạt tù đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của nhân dân hoặc tài sản lớn của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
b) Người mắc bệnh hiểm nghèo là người bị mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên, có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án của bệnh viện cấp tỉnh trở lên; nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, có phiếu xét nghiệm HIV và kết luận của Trung tâm Y tế cấp huyện trở lên;
c) Người ốm đau thường xuyên: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần, trong một thời gian dài, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế cấp tỉnh trở lên;
d) Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: là người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú.”
Sau khi có Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, thống nhất với Bộ Quốc phòng, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Chế độ thăm gặp thân nhân của phạm nhân được quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2011/TT-BCA cụ thể:
“1. Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong 01 tháng (trừ trường hợp vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đang bị giam tại buồng kỷ luật), mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện) cho phép kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 01 tháng. Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong nhà thăm gặp không quá 24 giờ.
2. Phạm nhân là người chưa thành niên được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ; nếu chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì được kéo dài thời gian nhưng không quá 24 giờ.
3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức cho phạm nhân được gặp thân nhân theo chế độ gặp vào tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết theo quy định. Thời gian thăm gặp trong ngày buổi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30 phút.”
Thông tư cũng quy định về đối tượng gặp phạm nhân tại Điều 4 như sau:
“1. Những người là thân nhân phạm nhân được thăm gặp phạm nhân gồm: ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
2. Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị thăm gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích chính đáng của phạm nhân và yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.
Khi gặp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền mặt, đồ vật (trừ đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ) và được sử dụng theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án hình sự và quy định tại Thông tư này.”
Bạn căn cứ những quy định nêu trên để áp dụng vào trường hợp của bạn bạn.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 46/2011/TT-BCA Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân nhận, gửi thư nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân
Luật 07/2007/QH12 Đặc xá
Nghị định 76/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá
Trả lời bởi: CTV3