Hứa mua giúp xe để chiếm đoạt tài sản
Câu hỏi
Qua một người bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, tôi được biết chú bạn quen biết một đơn vị trong tỉnh có chiếc xe ô tô thanh lý và có thể mua được nên tôi đã nhờ người chú đó mua hộ. Tôi đã giao tiền mua xe 120.000.000 và 20 triệu tiền nộp thuế trước bạ và làm biển. Người này đã mấy lần hẹn tôi giao xe nhưng đều không đúng hẹn. Nay tôi được biết người này trước đây cũng đã lừa một người khác tương tự như vậy và tôi đã tìm hiểu thì thấy cơ quan mà người này nói không có chiếc xe như vậy thanh lý. Như vậy người này đã phạm tội gì? Tôi phải làm gì để lấy lại số tiền của mình đúng pháp luật.
Câu trả lời
Trước hết, nếu bạn đã xác định rõ ràng là không hề có chiếc xe thanh lý và việc người chú bạn quen hứa mua giúp xe là không có thật thì bạn có thể liên hệ với người đó để yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền đã đưa. Nếu người đó cố tình không không trả lại thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Đối với việc người chú đó phạm tội hay không và phạm tội gì thì phải do các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Căn cứ vào những tình tiết mà bạn nêu có thể thấy:
(i) Người chú đó có sự gian dối khi nói rằng biết một đơn vị trong tỉnh có chiếc xe thanh lý mà thực tế theo tìm hiểu của bạn thì không hề có chiếc xe như vậy. Hơn nữa, bạn cũng đã tìm hiểu và biết được thông tin về việc người chú này đã từng lừa đảo người khác với hành vi tương tự.
(ii) Thông qua việc cung cấp thông tin sai sự thật cho bạn và hứa giúp bạn mua xe (việc hứa này cũng là sự lừa dối và có chủ đích) thì người chú đó đã nhận của bạn số tiền là 140.000.000 VND, đây cũng có thể xem như hành vi chiếm đoạt số tiền này.
Căn cứ vào những tình tiết nêu trên thì hành vi của người chú đó có thể có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu hành vi của người chú đó có các tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể tăng lên theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Vậy, bạn có thể gửi đơn đến cơ quan công an, tòa án có thẩm quyền để yêu cầu làm rõ hành vi của người chú đó, đồng thời yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3