Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hình Sự

Được bãi nại có bị truy tố không

Câu hỏi

Nhà tôi sản xuất gạch ngói, có thuê ông B làm công việc khuân đất cho vào máy chạy gạch. Ngày 28/05/2014 ông B bận việc nên bảo con trai ông đến làm thay (cháu này đang học lớp 10). Do không quen việc nên cháu bị cuốn vào máy chạy gạch gây tử vong. Sau khi việc xảy ra gia đình tôi đa lo mọi chi phí mai táng cho con trai ông B và kèm theo 15 triệu đồng. Và gia đình ông B viết giấy cam kết không khiếu kiện. Sau khi tôi đã khắc phục hậu quả và được gia đình ông B đồng ý không khởi kiện, vậy tôi có bị công an triệu tập và có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Câu trả lời

1. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định một số tội phạm về việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cũng như trong việc sử dụng lao động trẻ em cụ thể như sau:

Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở  những nơi đông người cụ thể như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở  những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo đó, tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người  là hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Như vậy, đối với trường hợp nói trên, nếu gia đình anh với tư cách là người sử dụng lao động, người có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động mà vi phạm các quy định về an toàn lao động, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định, biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chủ sử dụng lao động có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Bên cạnh đó, Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em 

1. Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều trẻ em;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.

Theo đó, tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (người chưa đủ 16 tuổi) là hành vi sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu trong trường hợp nói trên, nếu gia đình anh (mà cụ thể là chủ gia đình) biết rõ con trai ông B chưa đủ 16 tuổi làm thay cho ông B mà vẫn cho đứa bé làm việc với công việc nặng nhọc, nguy hiểm và hậu quả là làm cho đứa trẻ dưới 16 tuổi này chết do bị máy đóng gạch cuốn vào (gây hậu quả nghiêm trọng), tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

2. Mặc dù, sau khi việc xảy ra gia đình anh đã lo mọi chi phí mai táng cho con trai ông B và kèm theo 15 triệu đồng đồng thời gia đình ông B viết giấy cam kết đồng ý không khởi kiện nhưng theo quy định tại Điều 105 thì, tội phạm được quy định tại Điều 227 và Điều 228 nói trên không thuộc các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, như sau: Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Do đó, nếu giả sử bố của bạn là chủ gia đình, là chủ sử dụng lao động mặc dù có đơn yêu cầu không khởi tố của gia đình người bị hại, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở các hoạt động điều tra vẫn xác định hành vi của bố của bạn có đủ yếu tố cấu thành 1 trong hai tội phạm nói trên thì bố của bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên