Trộm cắp tài sản
Câu hỏi
Tôi có em trai năm nay 19 tuổi. Trước đây, em tôi đã bị kết án 27 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Hết hạn tù mới được 10 tháng, em tôi lại tiếp tục bị bắt về tội trộm cắp tài sản. Khi tham gia trộm thi có 4 người và đã bị bắt với số tài sản khoảng hơn 50 triệu đồng. Vậy cho tôi hỏi, mức án của em tôi là như thế nào?
Câu trả lời
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì trước đây, em trai của bạn đã bị kết án 27 tháng tù giam về tội cướp tài sản. Theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự về đương nhiên xóa án tích thì người bị kết án về tội cướp tài sản, nếu từ khi chấp hành xong bản án phạt tù (27 tháng tù giam) người đó không phạm tội mới trong thời hạn ba năm sẽ đương nhiên được xóa án tích. Tuy nhiên, do mới được 10 tháng kể từ khi chấp hành xong bản án phạt tù, em trai bạn đã phạm tội mới (tội trộm cắp tài sản), cho nên em trai bạn chưa được xóa án tích.
Việc chưa được xóa án tích mà đã phạm thêm tội mới sẽ ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm, quyết định hình phạt đối với tội mới. Đồng thời, theo quy định của Điều 138 của Bộ luật Hình sự thì giá trị tài sản trộm cắp cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
1. Về giá trị tài sản trộm cắp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 của Bộ luật Hình sự thì người chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm tù.
2. Về việc chưa được xóa án tích mà đã phạm thêm tội mới
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự thì một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Việc xác định thế nào là tái phạm, tái phạm nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
Với trường hợp của em trai bạn thì theo tôi sẽ được xác định là tái phạm vì em trai bạn đã bị kết án về tội cướp tài sản, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội trộm cắp tài sản là tội cố ý.
Do vậy, trường hợp của em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 138 của Bộ luật Hình sự. Mức thấp nhất của khung hình phạt sẽ là hai năm và cao nhất là bảy năm tù. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án quyết định, trong đó sẽ xem xét cả tình tiết tăng nặng là tái phạm.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật