Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hình Sự

Cố ý gây thương tích

Câu hỏi

Gia đình em hiện tại đang tranh chấp đất với một gia đình khác. Trong lúc 2 nhà đang cãi nhau thì gia đình tranh chấp với nhà em đã chém ba của em vào tay. Ba của em nhập viện và bác sĩ chẩn đoán ba em bị vết thương đứt khối cơ phía trong cẳng tay trái và mẻ xương trụ trái. Gia đình em muốn kiện gia đình đó thì có được không? Với chẩn đoán các vết thương của ba em như bác sỹ đã nói thì tỷ lệ thương tật có phải là 11% không?

Câu trả lời

1. Về việc khởi kiện

Gia đình bạn hoàn toàn có thể khởi kiện hành vi của người đã gây thương tích cho ba của bạn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác...”

Điều 104 của Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự thì người đó chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, nếu gia đình bạn có yêu cầu thì người đó sẽ phải bồi thường thiệt hại về mặt dân sự cho ba của bạn theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Về việc xác định tỷ lệ thương tật

Việc xác định tỷ lệ thương tật để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ do cơ quan có thẩm quyền giám định tư pháp tiến hành giám định và kết luận về tỷ lệ thương tật. Bạn có thể tham khảo, đối chiếu với quy định của Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12 tháng 06 năm 2014 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để xác định tỷ lệ thương tật.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội phòng cháy và chữa cháy phòng, chống, chống bạo lực gia đình

Thông tư 20/2014/TT-BYT Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật