Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hình Sự

Cung cấp dụng cụ và tham gia đánh bạc có bị coi là tổ chức đánh bạc không

Câu hỏi

Một người không có hành vi rủ rê, lôi kéo người khác đánh bạc, nhưng lại lấy dụng cụ đánh bạc và tham gia đánh bạc cùng 10 người khác thì có phải chịu trách nhiệm về tội tổ chức đánh bạc không?

Câu trả lời

Tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia đánh bạc; gá bạc là hành vi dùng nhà ở của mình hoặc các địa điểm thuận lợi khác để chứa đám bạc (để việc đánh bạc được thực hiện). Gá bạc là sự trục lợi qua con bạc (lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của các con bạc với giá rẻ, làm các dịch vụ ăn uống, giải trí khác...). Không ít trường hợp người tổ chức đánh bạc, người gá bạc, người đánh bạc là một người.

Theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”, chỉ cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép khi người vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn;

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của BLHS;

- Đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại điều 248 và 249 của Bộ luật Hình sự thì “quy mô lớn” được hiểu là thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại..., để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, đối chiếu quy định của Bộ luật Hình sự với các thông tin mà bạn cung cấp thì bạn của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc.

Tuy nhiên, do có tham gia đánh bạc với 10 người khác, cho nên bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248 của Bộ luật Hình sự nếu giá trị của tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hoặc giá trị của tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc từ năm mươi triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật