Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Câu hỏi
Bạn tôi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giá trị tài sản chiếm đoạt khoảng 300 triệu và đây là lần đầu tiên phạm tôi. Trong quá trình điều tra, bạn tôi đã khai báo hết, không cản trở quá trình điều tra, thân nhân tốt. Xin hỏi, bạn tôi có được hưởng tình tiết giảm nhẹ không?
Câu trả lời
Theo quy định tại Điều 45 của Bộ luật hình sự thì khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Đối chiếu các quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với trường hợp mà bạn nêu thì bạn của bạn có thể sẽ được áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm p khoản 1).
Riêng đối với tình tiết phạm tội lần đầu, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự thì tình tiết phạm tội lần đầu chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu như thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Bạn của bạn, mặc dù phạm tội lần đầu, tuy nhiên lại thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự (tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù) và khoản 3 Điều 139 của Bộ luật hình sự (Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng) thì tội mà bạn của bạn phạm là tội rất nghiêm trọng; cho nên bạn của bạn sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự.
Bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để giải quyết trường hợp của bạn mình.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự thì khi quyết định hình phạt đối với bạn của bạn, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Theo quy định tại điểm c mục 5 của Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:
Thứ nhất, vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
Thứ hai, bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
Thứ ba, bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
Thứ tư, người bị hại cũng có lỗi;
Thứ năm, thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
Thứ sáu, gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
Thứ bảy, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
Thứ tám, phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Các văn bản liên quan:
Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật