Mượn laptop rồi tự ý đem đi cầm cố có phạm tội không
Câu hỏi
Một tháng trước, em có cho anh A là anh của một người bạn thân mượn laptop, vì người này nói là cần để làm báo cáo cuối năm nộp cho công ty và hứa sau 4 ngày sẽ trả. Nhưng sau 4 ngày thì anh A điện cho em nói là làm chưa xong, cần mượn thêm vài ngày nữa. Nhưng hơn 2 tuần sau vẫn không thấy trả, em gọi điện thì không bắt máy. Đến khi em và người bạn (em ruột của người đó) đến phòng trọ của người đó để hỏi cho rõ thì mới biết là laptop của em đã bị đem đi cầm với giá 5.500.000 đồng. Người đó hứa là sau 2 ngày sẽ chuộc lại nhưng đến giờ vẫn không thấy đâu, em gọi điện thì không bắt máy. Vậy cho em hỏi, trong trường hợp này anh A có phạm tội không? Nếu người đó phạm tội thì em phải làm cách nào để lại được laptop của em? Nếu như phải làm đơn gửi cho công an thì em phải gửi ở công an phường tại nơi người đó đang ở trọ hay tại nơi mà gia đình người đó đang sống?
Câu trả lời
1. Về xác định trách nhiệm của A
Điều 140 của Bộ luật hình sự quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu quy định nêu trên với các thông tin mà bạn cung cấp thì hành vi của anh A chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hai trường hợp sau đây:
- Giá trị của tài sản bị chiếm đoạt (chiếc laptop) từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
- Giá trị của tài sản bị chiếm đoạt dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Về việc tố cáo hành vi của A
Khoản 1 Điều 2 của Luật tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật tố cáo về việc áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Như vậy, bạn có thể thực hiện việc tố giác hành vi của anh A ra cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 101 của Bộ luật tố tụng hình sự: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.”
Theo quy định tại khoản 4, Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra thì cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy theo các quy định trên thì bạn có thể gửi đơn tố giác hoặc trực tiếp đến cơ quan điều tra; viện kiểm sát; tòa án hoặc cơ quan khác nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi người có hành vi vi phạm cư trú để tố giác về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản này.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật