Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hình Sự

Bị đe dọa, ném vật bẩn vào nhà thì sẽ bị xử lý như thế nào

Câu hỏi

Tôi không vay mượn tiền, nhưng con gái tôi vay mượn tiền của bọn xã hội đen. Con gái tôi đã lấy chồng, nhưng chủ nợ vẫn đến nhà tôi đe dọa, có đêm thì chúng dùng vật bẩn ném vào nhà tôi. Vậy tôi nên làm gì? Hành vi của mấy người kia sẽ bị xử phạt như thế nào?

Câu trả lời

Theo các thông tin mà bạn cung cấp thì nhóm người kia thực hiện nhiều hành vi, trong đó có hành vi ném vật bẩn vào nhà của bạn. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người có hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với hành vi đe dọa, do bạn không nói rõ hình thức đe dọa, nội dung đe dọa, do vậy tôi xin trích quy định tại Điều 103 của Bộ luật hình sự để bạn tham khảo, giải quyết trường hợp của mình, cụ thể như sau:

“Điều 103. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.

Theo đó, đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…). Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Như vậy, trường hợp một người nhiều lần nhắn tin, đe dọa người khác để đòi tiền chỉ có thể bị coi là phạm tội đe dọa giết người nếu nội dung của tin nhắn có việc dọa giết, đồng thời nội dung và phương thức nhắn tin phải làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn và gia đình có quyền làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người này gửi đến ủy ban xã, phường nơi cư trú hoặc cơ quan công an để đề nghị có biện pháp xử lý.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội phòng cháy và chữa cháy phòng, chống, chống bạo lực gia đình

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật