Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hôn Nhân Gia Đình

Xử lý hành vi đánh đập, đe dọa thành viên trong gia đình

Câu hỏi

Bố mẹ tôi sống cùng gia đình em gái tại căn nhà của bố mẹ. Anh trai tôi xây một căn nhà bên cạnh nhưng không ở. Vì có mâu thuẫn với bố mẹ và em gái tôi nên khi bố mẹ tôi sửa nhà thì anh trai tôi ngăn cản không cho bố mẹ sửa nhà và còn dọa sẽ phá nhà. Thậm chí, anh còn đuổi gia đình em gái tôi ra khỏi nhà. Sau đó sự việc càng nghiêm trọng khi anh trai tôi đánh em gái tôi rồi về gây sự và đánh em rể tôi, dọa giết em gái tôi. Tôi lập nghiệp ở xa nhưng anh trai tôi cũng cấm tôi về nhà. Tôi muốn biết sự việc như vậy tôi có đủ cơ sở để tố cáo anh trai tôi không? Nếu tố cáo tôi nên tố cáo anh tôi về tội đe dọa hay tội đánh người? Căn cứ theo luật nào? Và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

Câu trả lời

Theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình gồm:

- Hành vi bạo hành thể xác: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác;

- Hành vi bạo lực tình dục;

- Hành vi bạo hành tinh thần: lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thường xuyên gây áp lực về tâm lý gây ra những hậu quả nghiêm trọng;

- Hành vi bạo hành khác: cưỡng ép kết hôn, ly hôn,…

Theo như bạn trình bày thì hành vi của anh trai bạn là một trong các hành vi bạo lực gia đình được quy định trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi mà anh trai bạn sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu thuộc trường hợp xử phạt hành chính thì mức phạt được cụ thể hóa trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Nếu đánh đập, gây thương tích cho bố mẹ và những người khác trong gia đình thì sẽ bị xử phạt về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. -Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104); tội hành hạ người khác (Điều 110),… Theo đó, hình phạt với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.

Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết: bạn có thể khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân hoặc Công an) để yêu cầu các cơ quan này xử lý các hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ.

 

Các văn bản liên quan:

Luật 02/2007/QH12 Phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội phòng cháy và chữa cháy phòng, chống, chống bạo lực gia đình

Trả lời bởi: vietduc