Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hôn Nhân Gia Đình

Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp cha, mẹ không có đăng ký kết hôn

Câu hỏi

Anh chị tôi chưa đăng ký kết hôn và đã bỏ nhau gần 1 năm. Hiện hai cháu ở với tôi và mẹ tôi (một cháu 6 tuổi và một cháu 3 tuổi ). Tôi đang là học sinh và mẹ tôi đã già yếu. Tôi có thể yêu cầu anh chị tôi phải cấp dưỡng nuôi hai cháu cho đến khi trưởng thành không?

Câu trả lời

Theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em 2004 thì trẻ em không phân biệt giới tính, con trong giá thú hay ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội,.. đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Luât nghiêm cấm hành vi bỏ rơi con. Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Trong trường hợp người cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, mẹ bạn (là bà nội/ngoại của cháu) theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Bộ luật dân sự 2005 là người giám hộ nên có quyền yêu cầu Tòa án buộc anh, chị của bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho hai con.

Về trách nhiệm hành chính: Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP  quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định mức xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 25/2004/QH11 Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Nghị định 144/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Trả lời bởi: vietduc