Vay nặng lãi không có khả năng trả nợ thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không
Câu hỏi
Mẹ tôi có vay một số tiền của bà A và bà B với lãi suất cao. Thực tế số tiền mẹ tôi mượn bà A chỉ 20.000.000 đồng, và bà B 15.000.000 đồng. Sau khi trả lãi được hơn 2 năm, vì lãi suất qá cao, 1.000.000 đồng thì lãi suất 20.000 đồng/ngày, nên mẹ tôi không có khả năng trả lãi. Sau đó bà A, Bà B lợi dụng mẹ tôi không hiểu biết, nên đã viết giấy vay nợ, với số tiền là 100.000.000 đồng và 80.000.000 đồng, số tiền đó là do bà A, bà B cộng dồn tiền lãi, nhưng trong giấy nhận nợ, không ghi rõ là tiền lãi bao nhiêu, tiền gốc bao nhiêu, chỉ ghi vỏn vẹn tổng số tiền, mẹ tôi vì thiếu hiểu biết nên đã ký vào. Xin hỏi, mẹ tôi liệu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
Câu trả lời
1. Bộ luật hình sự có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Đều 139 và Điều 140, cụ thể như sau:
- Theo quy định tại Điều 139 thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Theo quy định tại Điều 140 thì người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm…
Như vậy, nếu mẹ bạn không có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bà A và bà B, thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời cũng không có thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của A và B, không sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp, thì cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2. Đối với hành vi cho vay nặng lãi, theo quy định Điều 163, Bộ luật hình sự thì người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật dân sự thì lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Do vậy, phụ thuộc vào mức lãi suất mà Ngân hàng nhà nước công bố ở thời điểm vay thì mới xác định được bà A và bà B có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi hay không.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật