Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Hình Sự

Đập phá nhà người khác thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không

Câu hỏi

Trong khi tôi không có mặt ở nhà thì có một nhóm người (khoảng 30 người) xông vào nhà đập phá. Khi nghe tin, tôi và mấy người bạn cầm rựa đuổi theo, nhưng không gặp được nhóm người kia. Xin hỏi, chúng tôi có vi phạm pháp luật không? Nhóm người đập nhà tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Câu trả lời

1. Vi phạm pháp luật là hành vi trái luật và có lỗi do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện làm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Thông thường, một hành vi vi phạm pháp luật gồm 04 bộ phận cấu thành sau đây:

- Mặt chủ quan: được hiểu là những yếu tố bên trong của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bao gồm lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý do quá tự tin. lỗi vô ý do cẩu thả.

- Mặt khách quan: gồm các dấu hiêu hành vi trái pháp luật, hậu quả, quan hệ nhân quả, địa điểm , thời gian, phương tiện vi phạm

- Chủ thể của vi phạm pháp luật phải có năng lực hành vi.

- Khách thể: là quan hệ xã hội bị xâm hại. Tính chất của khách thể là tiêu chí quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi.

Hành vi của bạn chưa thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan, do vậy, hành vi của bạn không được coi là vi phạm pháp luật.

2. Hành vi đập phá nhà cửa và tài sản nhà bạn của nhóm người kia, tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Cụ thể:

2.1. Theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật hình sự thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (phạm tội có tổ chức; dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây hậu quả nghiêm trọng; để che giấu tội phạm khác; vì lý do công vụ của người bị hại; tái phạm nguy hiểm; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng).

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 143 (gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng), thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 143 (gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

2.2. Trường hợp hành vi của nhóm người kia chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người nào có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội phòng cháy và chữa cháy phòng, chống, chống bạo lực gia đình

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật