Phân chia di sản thừa kế khi người để lại di sản không có con đẻ, có con nuôi nhưng không đăng ký
Câu hỏi
Vợ tôi được vợ chồng cô ruột không có con nhận làm con nuôi từ lúc 5 tuổi nhưng nghĩ đơn giản nên không làm thủ tục nhận con nuôi. Bố vợ tôi mất cách đây 20 năm nhưng gia đình không làm thủ tục báo tử tại phường. Mẹ vợ tôi mất cách đây một năm không để lại di chúc. Gia đình tôi có đi làm thừa kế nhưng không được do không làm thủ tục con nuôi. Hiện giờ làm thủ tục chuyển hàng thừa kế thứ hai nhưng phải chứng minh được bố mẹ vợ tôi không có con đẻ. Gia đình vợ tôi cư trú tại địa chỉ hiện nay gần 50 năm nhưng vợ tôi ra phường xin chứng nhận là con nuôi cũng không được, xin chứng nhận bố mẹ tôi không có con cũng không được. Vậy xin hướng dẫn cho gia đình tôi làm thủ tục để vợ tôi hoặc hàng thừa kế thứ 2 được hưởng quyền thừa kế.
Câu trả lời
1. Quyền hưởng thừa kế của vợ bạn
Pháp luật Việt Nam công nhận quyền của con đối với di sản do cha, mẹ để lại, không phân biệt con đẻ hay con nuôi (“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” - điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự). Tuy nhiên, việc nuôi con nuôi phải được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này không chỉ đến Luật nuôi con nuôi năm 2010 (Điều 22) mà đã được quy định trong các văn bản luật trước đây. Theo đó, dù vợ bạn được cô chú ruột nhận làm con nuôi từ rất lâu nhưng do không có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương nên việc nhận con nuôi của vợ bạn chưa được công nhận theo quy định của pháp luật. Do vậy, vợ bạn không có quyền hưởng di sản mà cô chú để lại, không thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 BLDS.
2. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế do cô chú bạn để lại
a. Xác định những người được quyền hưởng di sản do cô chú bạn để lại.
Trước khi chết, cô chú bạn không để lại di chúc nên di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự. Theo thông tin bạn cung cấp, di sản do cô chú bạn để lại sẽ được chuyển cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai.
b. Thủ tục.
* Công chứng văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
- Cơ quan có thẩm quyền:
+ Đối với việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản (nhà đất...): Tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản (theo Điều 42 Luật công chứng);
+ Đối với việc phân chia di sản thừa kế là động sản (ô tô, xe máy...): Gia đình bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào để yêu cầu công chứng.
Trong trường hợp di sản bao gồm cả bất động sản và động sản như của gia đình bạn thì có thể lựa chọn một tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản để yêu cầu công chứng; như vậy, vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa thuận lợi và giảm thiểu được chi phí công chứng.
- Hồ sơ yêu cầu công chứng:
Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
+ Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
+ Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (nếu có);
+ Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
+ Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/ quyền sử dụng tài sản;
+ Bản sao giấy tờ khác, như: Giấy chứng tử của cô chú bạn; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cô chú; Giấy khai sinh của các anh chị em người để lại di sản....
Lưu ý: Riêng với giấy tờ chứng minh cô chú bạn không có con ruột, bạn có thể sử dụng các giấy tờ như:
(i) Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã phường nơi cư trú của cô chú bạn;
(ii) Lý lịch Đảng viên của cô chú (nếu có);
(iii) Công văn yêu cầu xác minh xác nhận của tổ chức công chứng (nếu công chứng viên thấy cần thiết phải xác minh);
Trên thực tế, việc xác minh cô chú bạn không có con đẻ sẽ có thể gặp khó khăn. Ủy ban nhân dân xã, phường có thể xác nhận rằng, trong thời gian cư trú tại địa phương, cô chú bạn không làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con... Nếu công chứng viên xét thấy cần xác minh lại vấn đề thì có thể gửi công văn đến Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cô chú cư trú để xác minh. Trong quá trình thực hiện thủ tục khai nhận/phân chia di sản thừa kế, tổ chức công chứng sẽ niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thừa kế này. Trong thông báo niêm yết sẽ nêu rõ về người thừa kế; đây cũng là một bước xác minh làm rõ vấn đề đang gặp phải.
* Thủ tục:
- Tổ chức công chứng tiến hành niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Ủy ban nhân dân cấp xã (trên địa bàn nơi có bất động sản và nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản trước khi chết). Thời gian niêm yết là 15 (mười lăm) ngày.
- Sau khi niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì về người thừa kế, về di sản thừa kế... thì tổ chức công chứng thực hiện việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
b. Đăng ký sang tên quyền sử dụng/sở hữu tài sản.
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu/sử dụng, sau khi khai nhận/phân chia di sản, người được hưởng di sản sẽ có quyền thực hiện thủ tục đăng ký sang tên để trở thành chủ sở hữu/sử dụng đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 53/2014/QH13 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3