Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Di chúc - Thừa kế

Quyền thừa kế của con khi bố mất không để lại di chúc

Câu hỏi

Chú tôi mua đất làm nhà rồi lấy thím tôi. Chú thím tôi sinh được 2 người con gái. Sau đó chú tôi bị bệnh rồi mất không để lại di chúc gì? Hiện nay thím tôi lại có con ngoài giá thú với người đàn ông khác, các em tôi còn nhỏ. Đất và nhà chú tôi để lại chưa được cấp sổ đỏ nhưng đã có sơ đồ thửa đất mang tên chú. Hiện nay thím tôi đã đề nghị cấp sổ mới mang tên thím. Vậy tôi hỏi 2 em tôi sau này lớn nên nếu đi lấy chồng rồi nhưng thím tôi lại để lại nhà và đất cho đứa em trai ngoài giá thú thì 2 em tôi có được đòi hỏi quyền lợi gì từ mảnh đất và ngôi nhà do bố chúng để lại không?

Câu trả lời

Câu hỏi của bạn khá phức tạp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Như bạn đã nêu, nhà và đất là do chú bạn có được trước khi kết hôn, như vậy có thể coi là tài sản trước hôn nhân, tài sản này có thể trở thành tài sản chung của vợ chồng nếu người chồng đồng ý nhập nó vào khối tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp bạn nói, do chú bạn chưa làm sổ đỏ, điều này có thể hiểu là chú bạn chưa nhập khối tài sản nói trên vào tài sản chung của vợ chồng.

Để bạn hiểu rõ hơn thì chế độ tài sản chung của vợ chồng được qui định tại các điều 27, 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là chế độ tài sản pháp định với hình thức chế độ cộng đồng tạo sản (tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung, trừ những tài sản theo qui định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng). Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung cũng vẫn còn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi hôn nhân chấm dứt về mặt pháp lý (ly hôn; một bên vợ, chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết).

Từ những phân tích trên, việc thím bạn để nghị cấp sổ mới đứng tên thím là sai quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơ quan hữu quan do không rõ nguồn gốc tài sản cũng như sự việc vẫn cấp sổ đỏ cho thím bạn. Vì vậy, để tránh rắc rối về thời hiệu khởi kiện cũng như tranh chấp sau này, chúng tôi tư vấn bạn như sau:

Khởi kiện ra tòa yêu cầu chia thừa kế giá trị căn nhà và mảnh đất đó, hoặc có thể mời gia đình và thím bạn họp gia đình để nói về việc phân chia tài sản, do đây là tài sản riêng của chú bạn, chú bạn mất đi không để lại di chúc nên sẽ chia theo pháp luật về thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định về những người được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, theo quy định này, giá trị khối tài sản của chú bạn sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: thím bạn, ông bà nội bạn – bố mẹ chú (nếu còn sống vào thời điểm chia thừa kế), cha mẹ nuôi của chú bạn (nếu có và còn sống vào thời điểm chia thừa kế), 2 cháu gái của bạn và con nuôi của chú bạn (nếu có và còn sống vào thời điểm chia thừa kế). Những người này được hưởng các phần bằng nhau.

Và như vậy, thím bạn chỉ được làm sổ đỏ trên phần diện tích mà thím bạn được hưởng thừa kế và quản lý cả phần thừa kế của 2 cháu bạn nhưng không có quyền định đoạt tài sản đó (bán, chuyển nhượng, để thừa kế...).

Trường hợp trong thời gian chung sống, chú thím bạn có cùng nhau cải tạo căn nhà (sửa chữa, cơi nới, xây thêm) thì thím bạn phải chứng minh về tài sản mình đóng góp vào đó, và giá trị phần sửa chữa, cơi nới, xây thêm...được chia đôi cho thím bạn một nửa, phần còn lại chia thừa kế như trên.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình