Quyền đòi tài sản
Câu hỏi
Một người hứa lo cho chị gái em đi xuất khẩu lao động do vậy họ đòi tạm ứng tiền. Khi chị em đưa tiền đặt cọc họ có làm biên bản giao nhận (Nhưng chỉ người nhận tiền ký nhận vào biên bản chứ không đóng dấu công ty) và hai bên ký kết đến một ngày mà không lo được thủ tục đi xuất khẩu lao động thì người kia phải trả lại toàn bộ tiền cũng như giấy tờ đã đưa nhưng đến khi quá ngày cam kết mà người đó vẫn chưa lo được một chút thủ tục gì. Do vậy chị em quyết định không đi xuất khẩu lao động nữa và đòi tiền cũng như giấy tờ của người đó nhưng họ lần lữa không trả. Vậy chị em có thể nhờ đơn vị chức năng nào để giúp mình đòi được số tiền trên? Người đó cư trú trên Hà Nội nhưng nguyên quán ở Hải Dương vậy có thể nhờ công an Hải Dương hay Tòa án Hải Dương giúp đỡ mình được không? Rất mong nhận được sự tư vấn và giúp đỡ.
Câu trả lời
Sự việc mà bạn đưa ra có thể dẫn đến 3 khả năng như sau:
Thứ nhất, người hứa làm thủ tục xuất nhập khẩu lao động cho chị gái bạn (cư trú ở Hà Nội nhưng nguyên quán ở Hải Dương) (chúng tôi xin tạm gọi là A) cố tình đưa ra thông tin là mình có khả năng làm thủ tục xuất nhập khẩu lao động, nhưng thực tế A không có khả năng này, việc A đưa ra thông tin sai sự thật về khả năng đó để lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin nhằm chiếm đoạt một khoản tiền thì hành vi của A là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Thứ hai, nếu A có khả năng làm thủ tục xuất nhập khẩu cho chị gái của bạn, đã nhận tiền nhưng lại không sử dụng khoản tiền này vào việc làm thủ tục xuất khẩu lao động mà bằng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn, chiếm đoạt tài sản của người khác đã giao cho mình hoặc sử dụng tài sản của người khác giao cho mình vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến khả năng trả lại tài sản thì đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu số tiền mà người này chiếm đoạt có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thì đã đủ yếu tố cấu thành tội lam dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Thứ ba, cũng có thể đó chỉ là đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm hợp đồng vay, hoặc hợp đồng đặt cọc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.
Dù ở hành vi nào, bạn cũng hoàn toàn có thể nhờ công an hoặc Tòa án can thiệp theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết vụ việc trên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và tố tụng dân sự hiện nay thì bạn có thể làm đơn kiện gửi cho Công an huyện nơi bạn đang cư trú để nhờ họ giải quyết hoặc Tòa án cấp huyện nơi bạn đang cư trú đề giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý