Lập văn bản khai nhận di sản thừa kế khi người thừa kế đều ở xa
Câu hỏi
Bố tôi đã mất. Hiện tại mẹ tôi đang làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mẹ tôi đối với mảnh đất do ông bà nội tôi để lại. Bố mẹ tôi có 05 người con, 04 người ở Việt Nam, một người ở Mỹ. Vậy cho tôi hỏi, khi phân chia thừa kế thống nhất cho tôi hưởng toàn bộ mảnh đất đó thì chị tôi ở Mỹ phải làm như thế nào? Chị gái tôi và các em tôi có phải đến phòng công chứng tại địa phương tôi đang ở để ký văn bản không? Rất mong được hồi âm.
Câu trả lời
1. Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi xin lưu ý bạn vấn đề nguồn gốc của mảnh đất
Theo như bạn nói thì mảnh đất là do ông bà bạn để lại, nhưng không nói rõ là ông bà đã cho bố mẹ mảnh đất đó chưa. Trường hợp ông bà đã cho bố mẹ bạn thì khi bố bạn mất, gia đình bạn chia di sản theo như bạn nói là đúng. Nhưng nếu mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng đất của ông bà bạn thì việc chia di sản phải được tiến hành bởi những người thừa kế của ông bà.
Trước hết là người thừa kế theo di chúc nếu ông bà bạn có để lại di sản theo di chúc. Nếu không có di chúc thì người thừa kế là người thừa kế theo pháp luật của ông bà bạn được xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự, gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, nếu quyền sử dụng đất là di sản do ông bà để lại thì người có quyền khai nhận đối với di sản đó trước hết phải là các con của ông bà, chính là anh chị em ruột của bố bạn. Riêng trường hợp của bố bạn: Nếu bố bạn chết sau ông bà bạn thì di sản mà bố bạn được hưởng từ ông bà sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn (mẹ bạn, các anh chị em bạn). Nếu bố bạn chết trước ông bà thì các anh chị em bạn sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn được hưởng nếu còn sống (thừa kế thế vị).
Trên đây là vấn đề mà bạn cần lưu ý khi tiến hành khai nhận di sản là quyền sử dụng đất do ông bà bạn để lại. Dưới đây, chúng tôi xin trả lời câu hỏi chính của bạn khi tiến hành các thủ tục khai nhận đó.
2. Thẩm quyền khai nhận di sản thừa kế là tổ chức công chứng trên địa bàn nơi có bất động sản (Khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng). Như vậy, tất cả những người thừa kế của bố bạn đều phải đến tổ chức công chứng nơi có quyền sử đụng đất mà gia đình bạn khai nhận để lập và ký văn bản thừa kế. Tuy nhiên, có một số cách để tránh việc phải đi lại xa xôi như bạn nói, chúng tôi có thể nêu dưới đây để bạn tham khảo:
Cách 1: Các anh chị em bạn có thể làm văn bản từ chối nhận di sản. Ðiều 642 Bộ luật Dân sự cho phép: Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.
Như vậy, nếu các chị em bạn thống nhất nhường toàn bộ di sản cho bạn thì cũng có thể lựa chọn hình thức từ chối di sản nhưng phải đáp ứng những điều kiện nêu trên và quan trọng là phải từ chối trong vòng sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế (tức là thời điểm bố bạn mất). Anh chị em bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng trên địa bàn họ đang sinh sống để chứng nhận văn bản từ chối di sản mà không cần phải đến tổ chức công chứng trên địa bàn nơi có bất động sản (khoản 2 Điều 37 Luật Công chứng). Đối với người chị đang ở Mỹ thì có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mỹ để yêu cầu công chứng văn bản này theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Công chứng.
Cách 2: Nếu anh chị em bạn không muốn từ chối nhận di sản hoặc thời hạn từ chối di sản đã hết thì mọi người có thể ủy quyền cho người khác tiến hành việc khai nhận di sản thừa kế đó đồng thời thay mặt họ lập và ký văn bản khai nhận di sản và nhường di sản được hưởng cho bạn. Việc ủy quyền có thể công chứng ở bất kỳ tổ chức công chứng nào mà không phụ thuộc vào nơi có bất động bất động sản. Người chị ở Mỹ cũng có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mỹ để yêu cầu chứng nhận việc ủy quyền này.
Cách 3: Bạn có thể yêu cầu tổ chức công chứng nơi chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế của nhà bạn tiến hành thủ tục công chứng ngoài trụ sở. Khoản 2 Điều 39 Luật Công chứng quy định: việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, việc anh chị bạn không có điều kiện đi lại cũng được coi là lý do để được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở. Tuy nhiên nếu lựa chọn cách này thì sẽ rất tốn kém cho gia đình bạn; hơn nữa, chị bạn ở Mỹ vẫn phải làm ủy quyền như cách 2. Nên theo chúng tôi thì gia đình bạn nên lựa chọn cách 1 hoặc cách 2 là phù hợp hơn cả.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 82/2006/QH11 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3