Quyết định về cấm chuyển dịch tài sản của Tòa án được đưa ra khi đang tiến hành thủ tục chuyển nhượng tài sản
Câu hỏi
Tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã được chuyển nhượng (hợp đồng chuyển nhượng có công chứng) và sau đó đã hoàn tất thủ tục sang tên cho người khác thì có bị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản không? (Quyết định của Tòa án về việc cấm chuyển dịch tài sản có trước 02 ngày so với ngày ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà mới).
Câu trả lời
Điều 197 Bộ luật Dân sự quy định: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Quyền định đoạt của chủ sở hữu chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.
Một trong các trường hợp chủ sở hữu bị hạn chế quyền định đoạt tài sản là bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Khoản 7 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự: Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.
Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.
Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên toà do một Thẩm phán xem xét, quyết định. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên toà do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Như vậy, cho dù tài sản đang được chủ sở hữu làm thủ tục chuyển dịch cho người khác nhưng nếu tài sản thuộc diện đang có tranh chấp và đang được Tòa án giải quyết tranh chấp thì vẫn có thể bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm chuyển dịch tài sản. Và các bên liên quan có nghĩa vụ phải thực hiện theo quyết định của Tòa án.
Nếu không đồng tình với quyết định của Tòa án thì đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Chánh án Toà án sẽ xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị trên trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị. (Theo Điều 124, 125 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định về trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng như sau:
- Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
- Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Toà án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu;
+ Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: CTV3