Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Di chúc - Thừa kế

Người 16 tuổi được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và việc giám hộ

Câu hỏi

Trường hợp 2 vợ chồng đã ly hôn với nhau. Người mẹ nuôi con và hiện nay người mẹ đã chết có để lại di chúc cho con gái út 16 tuổi toàn bộ tài sản của mình, trong đó có 2 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng. Vậy người con gái Út muốn đến Ngân hàng rút tiền lãi để đóng tiền học thì phải giải quyết làm sao? Ai là người giám hộ cho người con gái út (vì người bố đã lập gia đình khác và không quan tâm, chăm sóc các con)?

Câu trả lời

1. Pháp luật quy định cá nhân có thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự khi có năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự:

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người con gái Út đã 16 tuổi và có tài sản do mẹ bạn để lại nên có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện, trong đó có quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, Luật Công chứng cũng quy định: ”Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó” (Khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng). Quy định này cho thấy, người yêu cầu công chứng không bắt buộc phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (tức là không bắt buộc phải là người thành niên - từ đủ mười tám tuổi trở lên). Như vậy, người con Út có quyền nộp hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

- Bản sao Sổ tiết kiệm

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan: Giấy chứng tử của mẹ, Di chúc.

Công chứng viên của tổ chức công chứng sẽ tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết để công chứng văn bản thừa kế theo yêu cầu của người con gái Út. Sau khi có văn bản thừa kế công chứng thì người con Út có thể liên hệ, làm việc với Ngân hàng để rút tiền tiết kiệm.

Có một vấn đề cần lưu ý là: Khi khai nhận di sản thừa kế theo di chúc của người mẹ, người con Út cần phải tính đến quyền lợi của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 669 Bộ luật Dân sự. Theo đó thì: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật Dân sự:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Nếu trong số những người thừa kế theo pháp luật của người mẹ có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì cùng với người con Út (là người được nhận di sản thừa kế theo di chúc) người đó cũng được quyền hưởng số tiền gửi tiết kiệm mà người mẹ để lại.

2. Người giám hộ.

Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.

Những người được giám hộ bao gồm:

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Người chưa đủ mười lăm tuổi thuộc trường hợp này phải có người giám hộ.

- Người mất năng lực hành vi dân sự. 

Nếu thuộc đối tượng như quy định trên thì người con gái Út được người khác giám hộ. Nhưng người con gái Út đã 16 tuổi nên việc giám hộ là không bắt buộc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp có giám hộ thì người giám hộ của con Út được xác định theo quy định sau:

- Ðiều 61 Bộ luật Dân sự: Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định như sau:

+ Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

+ Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

- Ðiều 62 Bộ luật Dân sự: Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:

+ Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

+ Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

+ Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

- Trong trường hợp người con gái Út không có người giám hộ đương nhiên theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người con gái Út có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3