Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Dân sự

Quyền thừa kế đối với trường hợp người để lại di sản đã chết trước năm 1978

Câu hỏi

Ông bà nội tôi mất trước năm 1978, khi mất có để lại mảnh đất và ngôi nhà xây từ 1962 và không để lại di chúc gì. Ông bà nội tôi sinh được mấy người con thì: Bố tôi là con trưởng nhưng đã mất năm 2005; một chú là liệt sỹ chống mỹ; một chú mất năm 2002. Hiện tại còn một cô và một chú (A). Đến năm 2011 tôi mới biết chú A đã tự làm sổ đỏ đối với mảnh đất do ông bà để lại (mang tên chú và con trai chú) từ năm 2002. Xin hỏi về góc độ luật pháp chúng tôi có còn quyền gì không và nên giải quyết như thế nào?

Câu trả lời

Từ câu hỏi của bạn chúng tôi có thể đưa ra mấy vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất: Xác định bạn có quyền lợi, nghĩa vụ gì đối với nhà đất là di sản thừa kế do ông bà bạn để lại?

Vì ông bà bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật theo Điều 676 Bộ luật Dân sự:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định nêu trên thì bố bạn là một trong những người thừa kế theo pháp luật của ông bà bạn; nhưng do bố bạn đã chết (chết sau ông bà) nên phần thừa kế mà bố bạn được hưởng từ ông bà bạn (nếu còn sống) sẽ được chia cho những đồng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của bố bạn. Như vậy, bạn với tư cách là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn (trường hợp bố bạn không để lại di chúc) sẽ có quyền đối với phần di sản mà bố bạn được hưởng của ông bà, tức là có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nhà đất do ông bà bạn để lại.

Về hướng giải quyết đối với trường hợp bạn nêu thì cần xác định rõ: bác bạn và các đồng thừa kế khác đã chia thừa kế hay chưa?… Vì bạn không nêu rõ trong câu hỏi nên chúng tôi đưa ra hai khả năng (nêu tại vấn đề thứ hai và vấn đề thứ ba) dưới đây:

Vấn đề thứ hai: Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế.

Nếu bác bạn và các đồng thừa kế khác đã tiến hành thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành khai nhận, phân chia di sản thừa kế mà không có sự tham gia của bạn thì bạn có quyền khởi kiện đến tòa án để đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên, khi khởi kiện, bạn phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu (Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự - Điều 154 Bộ luật Dân sự).

Đối với trường hợp của bạn, do ông bà bạn mất trước năm 1978 nên thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2.2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế"”. Cụ thể như sau: “Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản. Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này” (Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế số 44-LCT/HDDNN8 ngày 30/8/1990).

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông bà bạn mất trước năm 1978, tính từ đó đến nay đã hơn 10 năm nên thời hiệu để bạn khởi kiện về thừa kế đã hết. Như vậy bạn không còn quyền khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế liên quan đến nhà đất do ông bà bạn để lại nữa.

Vấn đề thứ ba: Trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Như trên đã nêu, thời hiệu để bạn khởi kiện về quyền thừa kế đã hết nhưng Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế, cụ thể như sau:

- Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

+ Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

+ Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

+ Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

- Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền...thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản. 

Để giải quyết theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu trên, bạn phải có được sự đồng thuận của tất cả các đồng thừa kế đối với di sản do ông bà nội bạn để lại, trong đó có chú A, cô của bạn và những đồng thừa kế khác (nếu có).

Vậy, bạn có thể tìm hiểu kỹ các vấn đề như chúng tôi đã trình bày nêu trên và căn cứ tình hình thực tế để xác định trường hợp của gia đình mình có thể giải quyết theo hướng dẫn nêu trên hay không và đưa ra cách giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Pháp lệnh Kh&

Trả lời bởi: CTV3