Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Dân sự

Quyền lợi của người vợ khi người chồng để lại di chúc không định đoạt tài sản cho vợ

Câu hỏi

Trước khi kết hôn với tôi, chồng tôi đã hai lần lấy vợ và đã ly hôn, sinh được 3 người con. Tôi và chồng tôi không có con chung nào. Nay chồng tôi lập di chúc chia tài sản cho con trai và con gái, mỗi người một nửa căn nhà. Ngoài ra chồng tôi không còn tài sản gì khác và không chia gì cho tôi. Vậy theo luật tôi có được hưởng gì không? Tôi có quyền khởi kiện không?

Câu trả lời

1. Về quyền hưởng thừa kế của bạn đối với di sản do chồng bạn để lại

Ðiều 648 Bộ luật Dân sự quy định người lập di chúc có quyền:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo quy định trên thì việc chồng bạn lập di chúc để lại di sản cho hai con mà không để lại di sản cho bạn là quyền của chồng bạn, pháp luật không cấm việc này. Nên, bạn sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc đó.

Tuy nhiên, khi chồng bạn chết, bạn vẫn có thể được hưởng di sản do chồng bạn để lại mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc đó. Cụ thể, Điều 669 Bộ luật Dân sự quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật này:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, bạn, với tư cách là người vợ sẽ được hưởng di sản thừa kế do chồng bạn theo quy định nêu trên với điều kiện:

+ Bạn không từ chối nhận di sản theo Điều 642 Bộ luật Dân sự.

“Ðiều 642. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”

+ Bạn không thuộc trường hợp những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 Bộ luật Dân sự:

Ðiều 643. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

2. Quyền khởi kiện của bạn

Việc bạn có quyền khởi kiện hay không thì có thể chia thành các trường hợp như:

* Nếu khởi kiện về việc chồng bạn lập di chúc để lại tài sản cho các con mà không để lại cho bạn: Như trên đã nêu rõ, việc lập di chúc với nội dung như vậy là quyền của chồng bạn và pháp luật không cấm nên bạn không có quyền khởi kiện về vấn đề này. Nhưng bạn cũng nên yên tâm vì quyền và lợi ích của bạn vẫn được pháp luật bảo vệ theo Điều 669 Bộ luật Dân sự nêu trên.

* Nếu khởi kiện về vấn đề chồng bạn định đoạt toàn bộ ngôi nhà trong di chúc.

Trong câu hỏi bạn có nói đến việc chia cho con trai và con gái mỗi người một nửa ngôi nhà nhưng không nêu rõ: ngôi nhà đó thuộc quyền sở hữu riêng của chồng bạn hay đó là tài sản chung của vợ chồng bạn.

Nếu là tài sản riêng của chồng bạn thì bạn không có quyền khởi kiện (như đã nêu ở trên).

Nếu đó là tài sản chung của hai vợ chồng bạn thì chồng bạn chỉ có quyền định đoạt đối với phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản đó. Trong trường hợp này, bạn có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án xác định quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3