Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Dân sự

Nghĩa vụ trả tiền phát sinh từ giao dịch mua bán hàng hóa

Câu hỏi

Tôi giao hàng cho một nhà hàng nhỏ mà nhà hàng đó thường xuyên không thanh toán tiền đúng hạn, hiện số tiền nợ khoảng 20 triệu. Tôi yêu cầu họ làm cam kết nhưng họ không chịu làm. Các hóa đơn thường chỉ do nhân viên của nhà hàng đó ký nhận. Vậy, tôi xin hỏi, trên cơ sở hóa đơn đó, tôi có thể lấy lại số tiền nhà hàng còn nợ không? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Câu trả lời

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giao dịch giữa bạn và nhà hàng được coi là giao dịch mua bán tài sản, trong đó, bạn là bên bán còn nhà hàng là bên mua. Khi bạn đã giao hàng thì nhà hàng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo đúng thỏa thuận giữa hai bên về phương thức trả tiền, thời hạn trả tiền, số tiền phải trả. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về nghĩa vụ trả tiền tại Điều 438.

Trong trường hợp như bạn nói, nhà hàng đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho bạn, mặc dù hóa đơn là do nhân viên nhà hàng ký nhưng theo quy định của pháp luật thì nhà hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc trả nợ cho bạn. Trường hợp bạn yêu cầu mà nhà hàng đó phủ nhận việc nợ bạn thì bạn có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp giúp bạn (nếu nhà hàng phủ nhận việc nợ tiền hàng của bạn thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trường hợp bạn yêu cầu trả tiền hàng mà nhà hàng đó thừa nhận việc có nợ bạn nhưng không chịu trả thì bạn có thể khởi kiện dân sự lên tòa án nhân dân cấp huyện nơi nhà hàng đó có trụ sở để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của bạn.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Trả lời bởi: Phạm Thị Hương - Cục Trợ giúp pháp lý