Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Xây dựng và Giao thông

Xây dựng nhà không phép và lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường sắt

Câu hỏi

Ông Bế Văn M là chủ căn hộ số X, trong ngõ Y, thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn. Căn hộ này có diện tích 36m2 (chiều rộng 4m, chiều dài 9m), nằm gần ga Đồng Mỏ về phía khu gian Đồng Mỏ - Lạng Sơn do ông M mua của một người khác bằng giấy tờ viết tay từ năm 1986 (có chứng nhận của UBND thị trấn). Ông M vẫn ở căn hộ đó từ khi mua cho tới nay, không có tranh chấp. Tháng 01 năm 2006, do căn nhà cũ nát, ông M đã cho phá đi để xây lại căn hộ mới một tầng đổ mái bằng bê tông cốt thép; đồng thời ông xây lấn vào hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường sắt 2,5m theo chiều dài nhà để làm công trình phụ, tổng diện tích công trình phụ lấn chiếm là 2,5m x 4m = 10m2. Do nhà ở sâu trong ngõ khuất nên chính quyền địa phương cũng không phát hiện việc xây nhà này của ông M nên ông vẫn ở bình thường. Tuy nhiên, Đội giám sát an toàn giao thông vận tải đường sắt của Công ty Hà Lạng đã phát hiện ra việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông vận tải đường sắt của ông M nên đã có văn bản kiến nghị gửi UBND thị trấn Đồng Mỏ đề nghị xử lý việc vi phạm trên của ông M. Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ sẽ xử lý vụ việc trên như thế nào?

Câu trả lời

Căn nhà ông M đang ở chưa có Giấy chứng nhận chủ quyền nhà, đất hợp pháp, nhưng ông M mua nhà ở đã lâu (gần 20 năm), việc mua bán chỉ là giấy viết tay giữa hai người nhưng lại có xác nhận của UBND thị trấn vào thời điểm lúc bấy giờ nên cũng có giá trị pháp lý nhất định; mặt khác, trong suốt thời gian ông M sinh sống tại đó cũng không có ai (hoặc cơ quan, đơn vị nào) tranh chấp (đòi) chủ quyền nhà đối với ông nên tạm thời có thể coi ông M là người đang chiếm hữu, sử dụng hợp pháp đối với căn nhà và mảnh đất mà ông đang ở. Về mặt thủ tục pháp lý, ông M chưa có đầy đủ hồ sơ hợp lệ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở cho ông theo quy định hiện hành, nên có thể hiểu được việc ông M tự ý phá nhà cũ để xây nhà mới mà không có giấy phép xây dựng. Trong trường hợp này, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định về phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng đô thị và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thuộc về UBND huyện Đồng Mỏ. Việc ông M lấn chiếm đất công thuộc hành lang an toàn bảo vệ giao thông đường sắt là việc làm vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Đường sắt năm 2005, thì lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt. Giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Đường sắt như sau: Chiều rộng giới hạn hai bên đường sắt tính từ mép chân nền đường đào đắp, mép đỉnh mái đường đào, mép ray ngoài cùng của đường không đào, không đắp trở ra mỗi bên là 15 mét đối với đường sắt trong khu gian; tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2 mét đối với đường sắt trong ga, trong cảng, trong tường rào. Khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt cũng quy định về trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt như sau: UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn. Vì vậy, việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt của ông M để xây dựng công trình phụ phải bị xử lý theo pháp luật.

Thẩm quyền xử lý ở đây thuộc về UBND thị trấn và UBND huyện Đồng Mỏ. Cụ thể, UBND thị trấn Đồng Mỏ phải thực hiện những công việc sau:

- Cử cán bộ phụ trách xây dựng của thị trấn đến nhà ông M xác minh việc xây dựng không phép và lấn chiếm đất công thuộc phạm vi bảo vệ an toàn giao thông đường sắt của ông M; lập biên bản vi phạm và mời ông M đến UBND thị trấn làm việc.

- Phân tích việc làm vi phạm pháp luật của ông M trong việc xây dựng nhà không phép và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt để ông M nhận biết việc làm sai trái của mình.

- Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính (từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng) đối với hành vi xây dựng nhà không phép của ông M theo thẩm quyền được quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Điều 7 và Điều 43 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP;

- Lập biên bản đối với hành vi lấn chiếm đất công, xâm phạm hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường sắt của ông M, đồng thời yêu cầu ông M tự dỡ bỏ phần công trình phụ đã xây dựng trái phép này và nêu rõ nếu ông M không tự dỡ bỏ thì chính quyền địa phương (huyện, thị trấn) sẽ huy động lực lượng có chức năng đến cưỡng chế, phá bỏ toàn bộ phần xây dựng lấn chiếm này.

- Gửi hồ sơ vụ việc vi phạm của ông M lên UBND huyện thông qua Đội thanh tra xây dựng huyện để xử lý theo thẩm quyền.

 

 

Các văn bản liên quan:

Luật 35/2005/QH11 Đường sắt

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 126/2004/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà