Cơ quan nào giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất liên quan đến địa giới hành chính
Câu hỏi
Năm 1992, bà Bình ở thôn 1, xã X chuyển vào Nam sinh sống với con trai nên chuyển nhượng cho ông An cùng thôn quyền sử dụng một khu rừng tái sinh. Là chỗ quen biết nhau nên việc chuyển nhượng đất rừng giữa bà Bình và ông An chỉ lập thành giấy viết tay, có ông Khoát người cùng thôn làm chứng chứ không làm thủ tục xác nhận tại chính quyền địa phương. Kể từ đó gia đình ông An quản lý, chăm sóc khu rừng. Tuy nhiên, đến năm 2003, một vạt rừng của ông An bị ông Toàn, người ở xã Y giáp ranh xã X tranh chấp. Ông Toàn cho rằng vạt rừng này thuộc quyền sử dụng của ông. Trên thực tế, vạt rừng mà ông An và ông Toàn đang tranh chấp là một phần thuộc khu rừng mà ông An đã nhận chuyển nhượng từ bà Bình nhưng xâm canh sang địa phận xã Y. UBND xã X và UBND xã Y đều đã nhận đơn đề nghị giải quyết của ông An và ông Toàn nhưng đều cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất rừng giữa ông An và ông Toàn?
Câu trả lời
Điều 84 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định, các tranh chấp về quyền sử dụng rừng đối với các loại rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do TAND giải quyết. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất có rừng, đất trồng rừng được áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong trường hợp này, tranh chấp giữa ông An và ông Toàn là tranh chấp về quyền sử dụng đất rừng, mà cụ thể là quyền sử dụng diện tích vạt rừng xâm canh sang địa phận xã Y, chứ không phải tranh chấp về tài nguyên rừng. Do đó, căn cứ quy định nói trên thì việc tranh chấp này sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Trong trường hợp này, khu rừng đang bị tranh chấp không hoàn toàn thuộc địa giới của thôn X mà xâm canh sang xã bên cạnh, nên theo Điều 137 Luật Đất đai năm 2003 quy định, tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị đó cùng phối hợp giải quyết; trường hợp không đạt được sự nhất trí hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
- Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì do Quốc hội quyết định;
- Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn thì do Chính phủ quyết định.
Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc giải quyết tranh chấp: Theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Trong trường hợp này, ông An và ông Toàn đã không tự thoả thuận giải quyết tranh chấp của mình được nên đã có Đơn đề nghị UBND xã can thiệp giải quyết. Vì diện tích đất rừng tranh chấp thuộc địa bàn xã Y, nên UBND xã Y có trách nhiệm tiếp nhận đơn và thụ lý giải quyết bằng việc tổ chức hoà giải. Khi tiến hành hoà giải, UBND xã, phường, thị trấn cần thực hiện đúng khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 quy định, thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày UBND xã, phường, thị trấn nhận được đơn. Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo “Tình huống pháp luật: Kinh tế, tài nguyên - môi trường và cơ sở hạ tầng”
Các văn bản liên quan:
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Luật 29/2004/QH11 Bảo vệ và phát triển rừng