Vấn đề đặt ra là khi nhận được đơn khiếu nại về quyết định hành chính do chính Chủ tịch UBND xã P ký xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Công ty cổ phần Liên Minh, Chủ tịch UBND xã cần phải làm gì?
Trước hết, Chủ tịch UBND xã P cần xác định nội dung khiếu nại có thuộc thẩm quyền của mình hay không? Căn cứ vào Điều 19 Luật Khiếu nại, tố cáo thì UBND xã P có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính của mình.
Thứ hai, Chủ tịch UBND xã P cần tiến hành theo thủ tục như thế nào để giải quyết khiếu nại nêu trên? Trước khi thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch UBND xã P cần tiến hành những hoạt động sau:
- Xác định xem còn thời hiệu khiếu nại hay không? Trong trường hợp nêu trên, kể từ ngày 18/3/2009 có quyết định xử phạt đến ngày 30/5/2009 Công ty cổ phần Liên Minh gửi đơn khiếu nại đến UBND xã P là 72 ngày. Căn cứ Điều 31 Luật Khiếu nại, tố cáo thì thời hiệu khiếu nại vẫn còn nên Chủ tịch UBND có trách nhiệm phải thụ lý giải quyết;
- Căn cứ Điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Luật số 58/2005/QH11 ngày 29/11/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo (Luật số 58/2005/QH11), thì khiếu nại của Công ty cổ phần Liên Minh không thuộc những trường hợp không được thụ lý giải quyết;
- Căn cứ Điều 34 Luật Khiếu nại, tố cáo Chủ tịch UBND xã P phải thụ lý giải quyết đơn khiếu nại và gửi thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.
Sau khi thụ lý, Chủ tịch UBND xã P cần tiến hành giải quyết theo những thủ tục sau:
- Làm việc với Giám đốc Công ty cổ phần Liên Minh để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại;
- Để giải quyết nội dung, yêu cầu khiếu nại, cần xác định việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính dựa trên nguồn tin do Công ty TNHH Toàn Thắng báo và trên cơ sở xuống điều tra tại Công ty cổ phần Liên Minh và trên cơ sở kiểm tra tại chỗ của đoàn kiểm tra do UBND xã thành lập có đúng hay không?
Trong tình huống nêu trên, căn cứ vào Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi bổ sung Pháp lệnh năm 2002 thì Chủ tịch UBND xã P chưa đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, hình thức phạt tiền và tịch thu toàn bộ số nồi cơm điện (30 chiếc) của Công ty cổ phần Liên Minh là không đúng pháp luật vì số nồi cơm điện này không có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, có thể khẳng định nội dung khiếu nại của Giám đốc Công ty cổ phần Liên Minh đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND xã P ký là có cơ sở.
- Trên cơ sở kết luận đó, căn cứ vào Điều 38 Luật Khiếu nại, tố cáo được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật số 58/2005/QH11, Chủ tịch UBND xã P cần ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trả lại 30 chiếc nồi cơm điện cho Công ty cổ phần Liên Minh. Lưu ý, căn cứ Điều 36 Luật Khiếu nại, tố cáo, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật số 58/2005/QH11, thủ tục giải quyết khiếu nại phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Nếu xã P là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu có thể đến 45 ngày. Ngoài ra, nếu vấn đề liên quan đến hành vi cạnh tranh trong hoạt động thương mại của hai công ty thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan thì có thể coi đó là vụ việc phức tạp có thể kéo dài thời hạn giải quyết, song cũng không được quá 60 ngày. Chủ tịch UBND xã P cũng có trách nhiệm giải thích cho Giám đốc Công ty cổ phần Liên Minh biết về quyền khiếu nại tiếp theo đến Chủ tịch UBND huyện Q hoặc khởi kiện tại Toà án theo thủ tục tố tụng hành chính.