Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Đối tượng chính sách

Công nhận liệt sỹ cho thương binh bị chết do vết thương tái phát

Câu hỏi

Ông Trần Xuân Hoạt là chiến sỹ của Trung đoàn Y. Năm 1974, ông bị thương nặng trong một trận chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1976, ông được công nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật là 85%, sau đó ông xuất ngũ và trở về sinh sống với gia đình tại quê nhà. Tháng 10/2005, khi vết thương cũ tái phát, ông Hoạt được điều trị tại bệnh viện tỉnh song do vết thương quá nặng nên tháng 11/2005 ông mất tại bệnh viện. Bà Kiều, vợ ông Hoạt, 51 tuổi đã gửi hồ sơ đến UBND xã đề nghị xem xét để được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ. Cán bộ UBND xã giải quyết trường hợp này như thế nào?

Câu trả lời

Đối với trường hợp này, cán bộ UBND xã phải xác định: ông Hoạt là liệt sỹ hay không; vợ ông Hoạt có được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ không, nếu có thì đó là những chế độ nào;

- Trình tự, thủ tục cần tiến hành

Cán bộ UBND xã phải áp dụng các quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP và Thông tư số 33/2005/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 147/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (dưới đây viết là Thông tư số 33/2005/TT-BLĐTBXH).

- Căn cứ để xác định ông Hoạt là liệt sỹ

Theo điểm h khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 và khoản 6 Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát trong các trường hợp: suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát; suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên, được xác nhận là liệt sỹ. Như vậy, ông Hoạt được xét công nhận là liệt sỹ.

- Chế độ ưu đãi áp dụng đối với vợ ông Hoạt

Theo Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, thân nhân liệt sỹ được cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con; người có công nuôi dưỡng khi liệt sỹ còn nhỏ. Do đó, bà Kiều, vợ ông Hoạt sẽ được hưởng trợ cấp đối với thân nhân liệt sỹ nếu ông Hoạt được công nhận liệt sỹ mà không phụ thuộc vào tuổi của bà.
Các chế độ trợ cấp mà vợ ông Hoạt có thể được hưởng sau khi ông Hoạt được công nhận là liệt sỹ: Theo tiết a điểm 1 Thông tư số 33/2005/TT-BLĐTBXH, thì vợ ông Hoạt sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng 20 lần mức chuẩn (7.100.000 đồng). Ngoài ra, bà Kiều sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Hoạt (355.000 đồng/tháng).

- Về trình tự, thủ tục giải quyết

Để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét công nhận liệt sỹ đối với ông Hoạt, bà Kiều phải làm hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

+ Đơn đề nghị của gia đình, thân nhân ông Hoạt;

+ Hồ sơ thương binh, bệnh án điều trị và biên bản tử vong của bệnh viện tỉnh;

+ Giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sỹ.

UBND xã tiếp nhận hồ sơ ban đầu và xác nhận vào đơn đề nghị, giấy báo tử đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Hoạt; đồng thời, cấp giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sỹ cho gia đình ông Hoạt. Sau đó gửi lên UBND huyện. UBND huyện chịu trách nhiệm hoàn tất hồ sơ và cấp giấy báo tử, sau đó chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định, nếu đủ điều kiện thì trình UBND tỉnh ký duyệt trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Kết quả được thông báo và chi trả trợ cấp tại huyện.

 

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 54/2006/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Nghị định 147/2005/NĐ-CP Quy định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng