Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Đối tượng chính sách

Chế độ trợ cấp đối với CNVC nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương, bệnh binh

Câu hỏi

Ông Trần Đức gia nhập quân đội và tham gia chiến đấu liên tục từ năm 1965 ở chiến trường miền Nam. Ông được công nhận là bệnh binh với tỉ lệ mất sức lao động do thương tật là 25%. Khi đất nước hoà bình, ông phục viên, trở về địa phương công tác ở một cơ quan nhà nước, sau đó ông nghỉ việc do mất sức lao động và hưởng chế độ mất sức lao động theo tỉ lệ 87%. Ông được biết mình có thể được hưởng chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh nên đã nộp hồ sơ lên UBND xã đề nghị giúp đỡ ông làm thủ tục để được hưởng chế độ trợ cấp. Vậy, Chủ tịch UBND xã giải quyết trường hợp này như thế nào?

Câu trả lời

Ông Trần Đức là bệnh binh với tỉ lệ mất sức lao động do thương tật là 25% có thời gian phục vụ liên tục trong quân đội dưới 15 năm; đồng thời là công nhân, viên chức nghỉ việc do mất sức lao động với tỉ lệ là 87%. Theo Điều 2 Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2002 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (dưới đây viết là Nghị định số 102/2002/NĐ-CP) và điểm 2 mục II Thông tư số 02/2003/TT-BLĐTBXH ngày 07/02/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 102/2002/NĐ-CP, ông Đức có thể được hưởng chế độ trợ cấp như sau:

Lấy tỷ lệ mất sức lao động chung (87%) trừ (-) đi tỷ lệ mất sức lao động do thương tật (25%) :

87% - 25% = 62%.

Như vậy, ông Đức được hưởng trợ cấp bệnh binh theo tỷ lệ 62% và trợ cấp thương tật theo tỷ lệ 25%. Ngoài ra, ông còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác, chế độ bảo hiểm xã hội quy định đối với bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005.

Về trình tự, thủ tục giải quyết

+ Cán bộ UBND xã khi nhận hồ sơ của ông Đức phải yêu cầu ông viết 01 bản khai cá nhân (theo mẫu) kèm xác nhận của UBND xã nơi đang trực tiếp chi trả trợ cấp;

+ Chủ tịch UBND xã xác nhận vào bản khai của ông Đức. Sau đó, chuyển hồ sơ của ông Đức đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện;

+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện căn cứ bản khai cá nhân của ông Đức, lập 02 bản danh sách bệnh binh và 03 bản danh sách công nhân, viên chức mất sức lao động (theo mẫu); đồng thời, rà soát trợ cấp bệnh binh và kiểm tra tỷ lệ thương tật. Sau đó, chuyển hồ sơ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đang quản lý để điều chỉnh, bổ sung các thông tin trong danh sách bệnh binh thành danh sách của toàn tỉnh, thành phố (theo mẫu); kiểm tra danh sách công nhân, viên chức mất sức lao động, sau đó chuyển danh sách này đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để kiểm tra, đối chiếu. Hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp bệnh binh.

 

 

Các văn bản liên quan:

Thông tư 02/2003/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 102/2002/NĐ - CP ngày 11 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ qui định chế độ trợ cấp đối với bệnh binh, hoặc công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động đồng thời là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh.