Một mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu không nhiều có thể bị kiện chống trợ cấp không
Câu hỏi
Một mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu không nhiều có thể bị kiện chống trợ cấp không?
Câu trả lời
Theo quy định của WTO, nước nhập khẩu không được tiến hành điều tra (và không được áp thuế đối kháng) nếu nước xuất khẩu là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan ít hơn 4% tổng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu đó. Là một nước đang phát triển, Việt Nam được hưởng quy chế này.
Tuy nhiên, quy định này sẽ không được áp dụng nếu tổng lượng nhập khẩu từ tất cả các nước xuất khẩu có hoàn cảnh tương tự chiếm trên 9% tổng lượng nhập khẩu hàng hoá tương tự vào nước nhập khẩu.
Hộp 3 – Xác định lượng nhập khẩu “không đáng kể” (trong vụ kiện chống trợ cấp) như thế nào?
Giả sử Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia (là các nước đang phát triển) cùng với nhiều nước khác cùng nhập khẩu một mặt hàng X vào nước Y.
Trong đó:
· Hàng Trung Quốc chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;
· Các nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia mỗi nước chiếm 3,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y;
· 79,5% tổng lượng nhập khẩu hàng X vào Y đến từ các nước khác.
Nếu ngành sản xuất mặt hàng X của nước Y định kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng X chỉ của Việt Nam nhập khẩu vào Y thì đơn kiện sẽ bị bác hoặc nếu vụ kiện đã khởi xướng thì cũng sẽ bị đình chỉ do Việt Nam là nước đang phát triển và có lượng nhập khẩu mặt hàng X vào nước Y ít hơn 4% tổng nhập khẩu hàng X từ tất cả các nguồn vào Y.
Nếu vụ kiện chống lại Việt Nam và Trung Quốc thì cũng theo tiêu chí này, vụ việc có thể sẽ tiếp tục với hàng Trung Quốc nhưng phải chấm dứt với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên nếu vụ kiện tiến hành chống lại cả Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Trung Quốc thì vụ kiện sẽ được tiến hành bình thường với tất cả 4 nước này vì tổng lượng nhập khẩu hàng X vào nước Y từ 3 nước Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia (các nước đang phát triển có lượng nhập trong tổng lượng nhập hàng X vào Y dưới 4%) là 10,5% (cao hơn mức 9% theo quy định).