Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Thương Mại Quốc Tế

Thuế đối kháng là gì

Câu hỏi

Thuế đối kháng là gì?

Câu trả lời

Thuế đối kháng (theo ngôn ngữ thông thường là “thuế chống trợ cấp”) là khoản thuế bổ sung (ngoài thuế nhập khẩu thông thường) đánh vào sản phẩm nước ngoài được trợ cấp vào nước nhập khẩu.
Đây là biện pháp chống trợ cấp (còn gọi là biện pháp đối kháng) nhằm vào các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được trợ cấp (thông qua thủ tục điều tra chống trợ cấp do nước nhập khẩu tiến hành và thuế trợ cấp, nếu có, áp dụng đối với nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài) chứ không nhằm vào chính phủ nước ngoài đã thực hiện việc trợ cấp (WTO quy định các cơ chế xử lý khác mang tính đa phương cho trường hợp này).

Điều kiện áp dụng thuế đối kháng là gì?

Không phải cứ có hiện tượng hàng hoá nước ngoài được trợ cấp là nước nhập khẩu có thể áp dụng thuế đối kháng đối với hàng hoá đó.
Theo quy định của WTO thì việc áp dụng các biện pháp đối kháng (mà chủ yếu là thuế đối kháng) chỉ có thể thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, sau khi đã tiến hành điều tra chống trợ cấp, ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả 03 điều kiện sau:

·         Hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp (với biên độ trợ cấp - tức là trị giá phần trợ cấp trên trị giá hàng hoá liên quan - không thấp hơn 1%);

·         Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe doạ thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (gọi chung là yếu tố “thiệt hại”);

·         Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu được trợ cấp và thiệt hại nói trên.