Nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp TBT riêng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam hay không
Câu hỏi
Nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp TBT riêng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam hay không?
Câu trả lời
Theo nguyên tắc không phân biệt đối xử được ghi nhận trong Hiệp định TBT thì nước nhập khẩu là thành viên WTO có nghĩa vụ:
· Không đặt ra các biện pháp kỹ thuật khác nhau cho hàng hoá tương tự đến từ các nước thành viên khác nhau của WTO (nguyên tắc tối huệ quốc);
· Không đặt ra các biện pháp kỹ thuật cho hàng hoá nước ngoài cao hơn biện pháp kỹ thuật áp dụng cho hàng hoá tương tự nội địa của mình (nguyên tắc đối xử quốc gia).
Như vậy, về cơ bản, một nước không được đặt ra các biện pháp kỹ thuật khác nhau cho hàng hoá tương tự nhau. Điều này có nghĩa hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang một nước thành viên WTO sẽ chỉ phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho hàng hoá tương tự trong nội địa nước đó và hàng hoá tương tự nhập khẩu từ tất cả các nguồn khác.
Ngược lại, Việt Nam cũng không thể ban hành và áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu ở mức cao hơn hoặc thấp hơn mức áp dụng cho hàng hoá nội địa.
Hộp 4 - Ví dụ về nguyên tắc không phân biệt đối xử về các biện pháp kỹ thuật
Giả sử Hoa Kỳ chế biến và sản xuất thịt gà và đồng thời cũng nhập khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam và Thái Lan (ba nước đều là thành viên WTO). Nếu thịt gà chế biến nói đến ở đây là loại hàng tương tự nhau (cùng lấy từ lườn gà, cùng được sơ chế và để đông lạnh…..), theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, Hoa Kỳ phải:
· Áp dụng cùng một mức thuế nhập khẩu và các quy định về nhãn mác, đóng gói, yêu cầu về chất lượng…cho thịt gà nhập từ Việt Nam và Thái Lan;
· Không áp dụng các loại thuế nội địa thấp hơn và biện pháp kỹ thuật ưu đãi hơn cho thịt gà chế biến trong nội địa Hoa Kỳ so với thịt gà nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan.