Doanh nghiệp cần đối phó với các biện pháp tự vệ ở nước ngoài như thế nào
Câu hỏi
Doanh nghiệp cần đối phó với các biện pháp tự vệ ở nước ngoài như thế nào?
Câu trả lời
Đằng sau việc áp dụng biện pháp tự vệ là việc bảo hộ có điều kiện ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu trước sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu. Vì vậy, để đối phó với nguy cơ bị áp dụng các biện pháp tự vệ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần:
· Về hiểu biết chung: Cần nhận biết về sự tồn tại của nguy cơ bị kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của chúng, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện;
· Về chiến lược kinh doanh: Cần tính đến khả năng bị kiện khi xây dựng chiến lược xuất khẩu để có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi không phòng ngừa được (ví dụ đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và giảm dần việc cạnh tranh bằng giá rẻ…);
· Về việc hợp tác:
+ Phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện có thể xảy ra;
+ Sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết ở mức độ thích hợp;
+ Giữ liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này có tiếng nói bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp, kể cả việc đề nghị đàm phán các hiệp định có cam kết không áp dụng hoặc hạn chế áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hoá của nhau, bày tỏ quan điểm đối với các nước áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá Việt Nam, yêu cầu có bồi thường quyền lợi thương mại khi có việc nước khác áp dụng biện pháp tự vệ.