Thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ như thế nào?
Câu hỏi
Thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ như thế nào?
Câu trả lời
Khác với trường hợp các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp, WTO không có nhiều quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kiện áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, Hiệp định về Biện pháp tự vệ của WTO có đưa ra một số các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các thành viên phải tuân thủ, ví dụ:
· Đảm bảo tính minh bạch (Quyết định khởi xướng vụ điều tra tự vệ phải được thông báo công khai; Báo cáo kết luận điều tra phải được công khai vào cuối cuộc điều tra…)
· Đảm bảo quyền tố tụng của các bên (các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày các chứng cứ, lập luận của mình và trả lời các chứng cứ, lập luận của đối phương);
· Đảm bảo bí mật thông tin (đối với thông tin có bản chất là mật hoặc được các bên trình với tính chất là thông tin mật không thể được công khai nếu không có sự đồng ý của bên đã trình thông tin);
· Các điều kiện về biện pháp tạm thời (phải là biện pháp tăng thuế, và nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định thì khoản chênh lệch do tăng thuế phải được hoàn trả lại cho bên đã nộp; không được kéo dài quá 200 ngày…)
Trên thực tế, một vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thường theo trình tự sau đây:
- Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu;
- Khởi xướng điều tra;
- Điều tra và công bố kết quả điều tra về các yếu tố:
- tình hình nhập khẩu;
- tình hình thiệt hại;
- mối quan hệ giữa việc nhập khẩu và thiệt hại;
- Ra Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tự vệ
Chú ý: Việc điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ, mặc dù có nhiều yếu tố giống một trình tự tố tụng tư pháp (một vụ kiện tại tòa án) nhưng đây bản chất là một thủ tục hành chính, do một cơ quan hành chính nước nhập khẩu tiến hành, để xử lý một tranh chấp thương mại giữa các nhà xuất khẩu nước ngoài (về nguyên tắc là từ tất cả các nước đang xuất khẩu hàng hóa liên quan vào nước nhập khẩu) và ngành sản xuất nội địa liên quan của nước nhập khẩu. Việc này được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nội địa nước nhập khẩu và về nguyên tắc không phải là công việc giữa các Chính phủ (Chính phủ các nước xuất khẩu và Chính phủ nước nhập khẩu).
Tuy nhiên, do vấn đề này đã được ràng buộc bởi các nguyên tắc bắt buộc có liên quan trong Hiệp định SG của WTO nên các thành viên có thể thông qua WTO để xử lý những trường hợp nước nhập khẩu tiến hành điều tra mà vi phạm WTO.
Việt Nam đã là thành viên của WTO, vì vậy nếu một nước thành viên WTO tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mà không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về trình tự, thủ tục hoặc điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ của WTO thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện nước đó ra WTO (theo cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO). Tuy nhiên, về cơ bản việc này chỉ khả thi nếu có các thông tin thực tế mà doanh nghiệp cung cấp về việc viphạm nguyên tắc WTO của nước điều tra.
Việc áp dụng biện pháp tự vệ phải tuân thủ điều kiện gì?
· Về hình thức tự vệ, WTO không có quy định ràng buộc về loại biện pháp tự vệ được áp dụng. Trên thực tế các nước nhập khẩu thường áp dụng biện pháp hạn chế lượng nhập khẩu (hạn ngạch) hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá liên quan.
· Về mức độ tự vệ, các nước chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ ở mức cần thiết đủ để ngăn chặn hoặc bù đắp các thiệt hại và tạo điều kiện để ngành sản xuất nội địa điều chỉnh;
· Về thời hạn tự vệ, biện pháp tự vệ không được kéo dài quá 4 năm (tính cả thời gian áp dụng biện pháp tạm thời) và phải giảm dần theo định kỳ sau năm đầu tiên áp dụng. Trường hợp biện pháp được áp dụng trên 3 năm thì phải được xem xét lại vào giữa kỳ để cân nhắc khả năng chấm dứt hoặc giảm mức áp dụng mạnh hơn nữa;
· Về gia hạn tự vệ, có thể gia hạn biện pháp tự vệ nhưng nước nhập khẩu phải chứng minh được rằng việc gia hạn là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại và rằng ngành sản xuất liên quan đang tiến hành tự điều chỉnh. Tổng cộng thời gian áp dụng và gia hạn không được quá 8 năm.
Hộp 6 - Khi nào một biện pháp tự vệ được xem là “ở mức cần thiết”?
Nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ không nhất thiết phải có giải trình rõ ràng và cụ thể về việc tại sao biện pháp được lựa chọn (về phạm vi, loại, mức độ) là cần thiết để ngăn chặn hoặc bù đắp các thiệt hại và để ngành sản xuất nội địa tự điều chỉnh (Án lệ WTO Vụ “Hàn Quốc - Sản phẩm sữa”)
Một biện pháp tự vệ được áp dụng mà không tuân thủ đầy đủ 03 điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ sẽ đương nhiên bị coi là “vượt quá mức cần thiết” (Vụ Đường ống dẫn – Hoa Kỳ)