Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Xuất Nhập Cảnh

Khi phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhưng không có hộ chiếu

Câu hỏi

Sáng ngày 18/9/2006, nhân dân bản K, xã X, một xã miền núi biên giới, phát hiện có một người nước ngoài đi qua đường mòn biên giới từ Trung Quốc đang tìm đường về thành phố Lạng Sơn. Thấy người nước ngoài có biểu hiện khả nghi, nhân dân đã nhanh chóng báo cho Công an xã biết. Nhận được tin báo, Công an xã và lực lượng dân phòng đến yêu cầu người nước ngoài cho kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Do không thông ngôn được nên lực lượng kiểm tra đã yêu cầu đối tượng về trụ sở Công an xã và mời một người dân nói thạo tiếng Trung Quốc đến phiên dịch hộ. Qua tìm hiểu sơ bộ thì xác định được người nước ngoài này là người gốc Trung Quốc, mang quốc tịch Ấn Độ đi qua Trung Quốc vào Việt Nam, không có hộ chiếu, nhưng có thẻ công dân do cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ cấp. Theo tường trình của người này thì họ muốn đi tham quan du lịch, nhưng vì vội nên họ không làm hộ chiếu, do đó, họ tìm đường mòn qua Trung Quốc vào Việt Nam. Công an xã nên giải quyết trường hợp này như thế nào?

Câu trả lời

Nhận định về tính chất vụ việc

Trong trường hợp này, qua việc phát hiện quả tang hành vi của đối tượng và qua việc kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, xác minh sơ bộ về nhân thân đối tượng, Công an xã có cơ sở để khẳng định ngay rằng người nước ngoài trong vụ việc đã có hành vi nhập cảnh trái phép (nhập cảnh vào Việt Nam theo đường mòn, không qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh). Đồng thời, khi đi lại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đối tượng không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, hành vi này đã vi phạm khoản 1 Điều 7 Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

Bên cạnh đó, qua xác minh ban đầu xác định được đối tượng là người mang quốc tịch Ấn Độ, nhưng đã đi lại trên lãnh thổ Trung Quốc, sau đó từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Các tình tiết này cho thấy xung quanh hành vi và lời khai của đối tượng còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Điều đó cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhất là khi hành vi vi phạm của đối tượng lại xảy ra tại địa bàn xã miền núi biên giới, thuộc khu vực hẻo lánh.

Biện pháp giải quyết

Với nhận định về tính chất vụ việc như trên, căn cứ vào các quy định hiện hành trong Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, Công an xã có thể nhận định về khả năng áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng như sau: hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không có hộ chiếu, không có thị thực (thể hiện sự đồng ý cho phép nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh có thẩm quyền của Việt Nam) đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP nêu trên. Với tính chất là vi phạm hành chính, thì hành vi này có thể bị xử phạt nghiêm khắc với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt dự liệu này vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính của các chức danh có thẩm quyền ở chính quyền cấp xã. Do đó, Công an xã cần lập biên bản vi phạm rồi nhanh chóng báo cáo và chuyển giao vụ việc cùng đối tượng cho Công an huyện hoặc lực lượng biên phòng tại địa bàn để các cơ quan này thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Mặt khác, tại cấp xã, do đối tượng là người nước ngoài nên việc thu thập lời khai của đương sự gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhân thân và mục đích nhập cảnh trái phép của đối tượng còn nhiều vấn đề nghi vấn phải điều tra, xác minh làm rõ (nếu qua điều tra phát hiện được hành vi vi phạm của đối tượng không phải lần đầu mà đã từng bị xử phạt hành chính về chính hành vi đó thì có thể xử lý hình sự về hành vi nhập cảnh trái phép theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Hình sự 1999). Do đó, Công an xã cần khẩn trương chuyển giao vụ việc để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp điều tra nghiệp vụ cần thiết làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh, đúng mức, tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm, đồng thời có biện pháp để bảo vệ an ninh biên giới.

Với hướng xử lý như trên, trước khi chuyển giao vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Công an xã cần thực hiện các hành vi pháp lý sau đây:

- Lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm của đối tượng theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002;

- Đề nghị Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định áp dụng tạm giữ đối tượng theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 44 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 và Khoản 18 Điều 1 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của  Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 32/2005/NĐ-CP Về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền

Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 150/2005/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính