Văn Phòng Luật Sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo
Văn Phòng Luật sư Phương Thảo

Tư vấn pháp luật lao động

Một số điểm mới quy định về người sử dụng lao động trong Bộ luật Lao động 2012

15/7/2013 11:13
Ngày 1 tháng 5 năm 2013, Bộ luật Lao động 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 đã chính thức có hiệu lực, theo đánh giá của giới chuyên môn về pháp luật một số quy định mới, quy định sửa đổi trong Bộ luật Lao động 2012 đảm bảo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động tạo điều kiện, tạo hành lang pháp lý cho người sử dụng lao động.

Một số điểm mới quy định về hợp đồng trong Bộ luật Lao động 2012 là các việc bổ sung nội dung về nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động khi có yêu cầu của một trong hai bên trước khi giao kết hợp đồng lao động, việc bổ sung quy định “trước khi nhận người lao động vào làm việc” thì người lao động và người sử dụng lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động và việc bổ sung nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động trên tinh thần tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và hợp tác cho thấy quyền và lợi ích của người sử dụng lao động được bảo đảm.Nói quyền và lợi ích của người sử dụng lao động được bảo đảm bởi vì không phải tất cả mọi người lao động đều có kiến thức, hiểu biết vềquyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia lao động. Thông qua những quy định mới trên người lao động sẽ thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện hợp đồng, điều đó tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động có thể sử dụng người lao động vào công việc đúng theo hợp đồng mà không có sự cản trở, chống đối do thiếu hiểu biết từ phía người lao động, tránh được các tranh chấp không đáng có sau này có thể xảy ra. Việc quy định mới về phụ lục hợp đồng lao động để hai bên có thể dùng phụ lục hợp đồng để giao kết những nội dung mới hoặc thay đổi một vài nội dung so với nội dung đã có trong hợp đồng lao động giúp cho người sử dụng lao động đỡ chi phí và linh hoạt hơn là ký lại cả một hợp đồng lao động mới. Quy định mới về hình thức làm việc không trọn thời gian của người lao động giúp cho người sử dụng lao động có thể lựa chọn hình thức làm việc này để sử dụng người lao động đáp ứng công việc của mình mà không gặp phải sự phản đối từ phía người lao động. Đối với các trường hợp chấp dứt hợp đồng lao động, quy định mới Bộ luật Lao động năm 2012 là người lao động chết, người lao động bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của bộ luật này các quy định đó tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động trong một số điều kiện cần chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Một quy định mới trong chương VII :  “ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi”, quy định là người sử dụng lao động được quyền quy định làm việc theo giờ ngoài việc quy định thời giờ làm việc theo ngày, theo tuần như quy định của Bộ luật Lao động 1994. Việc này tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động để người sử dụng lao động có thể chủ động sắp xếp công việc cho người lao động được theo thời gian mà công việc đòi hỏi. Một thay đổi của Bộ luật Lao động 2012 được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động ủng hộ nữa là việc bỏ quy định “ Các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm” để trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp. Tại chương VI : “ Tiền lương” có quy định mới về việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương quy định này là một sự thay đổi cơ bản mang lại tiếng nói của đại diện người sử dụng lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia. Trong chương VIII: “ Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất”, một quy định mới là nghĩa vụ của người lao động trong việc đảm bảo bí mật sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động. Việc giữ bí mật kinh doanh, bí mật bí quyết trong công việc là những đòi hỏi cần thiết trong mọi hoạt động về kinh tế của thời đại hiện nay, các công ty, doanh nghiệp đều cần phải có điều kiện đó để có thể chiếm thị phần trong công việc của mình vì vậy lộ bí mật sở hữa trí tuệ có thể làm phá sản công ty, doanh nghiệp và ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp tới người sử dụng lao động. với hình thức xử phạt kỷ luật lao động là sa thải, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bổ sung thêm các hành vi: đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động hoặc hành vi đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động thì cũng bị sa thải, quy định mới này để người sử dụng lao động có biện pháp để xử lý mạnh, nghiêm trị những hành vi sai trái trên và cũng giúp cho việc răn đe những hành vi sai trái của người lao động. Trong chương XIV:  “ Giải quyết tranh chấp lao động”, một quy định mới bổ sung giúp cho người sử dụng lao động bảo vệ tài sản của mình đó là quy định người sử dụng lao động có quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp khi xảy ra đình công tại doanh nghiệp. Không cho phép đình công đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền cũng là quy định mới trong Bộ luật Lao động 2012, các tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp thường xuyên xảy ra vì vậy nếu việc đình công xảy ra vì tranh chấp lao động tập thể về quyền sẽ gây nhiều thiệt hại cho người sử dụng lao động. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp này sẽ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, nếu vụ việc phức tạp hơn thì sẽ do Tòa án giải quyết. Cho thuê lại lao động là một mục hoàn toàn mới trong Bộ luật Lao động 2012, quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động thông qua những công ty, tổ chức làm dịch vụ việc làm người sử dụng lao động có thể tuyển được những lao động có năng lực, có kỹ thuật, tuyển được những lao động đúng như mong muốn của mình.

Bộ luật Lao động 2012, bên cạnh những quy định mới, quy định sửa đổi bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng lao độngcòn những quy định mới, quy định sửa đổi chưa được hợp lý, tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong việc điều hành doanh nghiệp của người sử dụng lao động. Quy định mới về việc người lao động có thể chấm dứt hợp động lao động khi bị quấy rối tình dục làm khó cho người sử dụng lao động bởi vì định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể nên việc này dễ dẫn tới việc người lao động lợi dụng quy định mới này gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Quy định mới trong Bộ luật Lao động 2012 bổ sung một số trường hợp lao động nữ được hưởng trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm hoặc thực hiện các biện pháp khác như nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý... quy định như vậy nhưng ở thực tế xảy ra nhiều trường hợp lao động nữ là những người chưa lập gia đình, có quan hệ ngoài xã hội gây hậu quả có thai và phải dùng các biện pháp như nạo, hút thai… vậy trong các trường hợp đó sẽ rất ảnh hưởng tới công việc của người sử dụng lao động, nếu trong trường hợp doanh nghiệp nhiều lao động nữ như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đây cũng có thể là một điểm để một số có thể người lợi dụng để mang lại lợi ích cho bản thân, mang lại thiệt hại cho người sử dụng lao động. Các quy định mới về cán bộ công đoàn cũng làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động , cán bộ công đoàn được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn điều này dẫn tới việc các cán bộ công đoàn không có đủ thời gian làm những việc sản xuất và kinh doanh mà người sử dụng lao động cần. Việc chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn cũng khiến cho người sử dụng lao động rất bị động vì không thể chấm dứt ngay với cán bộ công đoàn được mà phải đợi đến lúc hết nhiệm kỳ của cán bộ công đoàn.

Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực sẽ giúp cho các mối quan hệ lao động được hài hòa, ổn định góp phần phát huy tài năng, khả năng của người lao động, của người sử dụng lao động và giúp cho người sử dụng lao động đạt được hiệu quả trong việc sử dụng và quản lý lao động. Góp phần cho việc tăng lợi nhuận trong việc sản xuất và kinh doanh của người sử dụng lao động , góp phần để đất nước Việt Nam chúng ta đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  

Các tin khác